Theo Nikkei, sau thời gian dài xem xét và đánh giá giữa các nhà đầu tư, Chính phủ đã quyết định cho phép đơn vị vận hành sân bay của Pháp ADP mua lại 20% cổ phần tại ACV. Qua đó, APD trở thành đối tác chiến lược của ACV.
Nguồn tin phía Nikkei cho biết thương vụ này sẽ được hoàn tất trong một vài tháng tới.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với ông Augustin de Romanet de Beaune - Chủ tịch ADP tại Hà Nội, để trao đổi về những ưu tiên dành cho ADP trong công tác vận hành sân bay tại Việt Nam.
Theo đó, ACV sẽ được nâng vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng các sân bay đang vận hành. Dự án trọng điểm sẽ là sân bay quốc tế Long Thành tại Đồng Nai, cách trung tâm TP.HCM khoảng 40 km về phía Đông.
Dự án này trong phương án giảm tải cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trong 10 năm tới, với giá trị 16 tỷ USD.
Thị giá cổ phiếu ACV trong 6 phiên giao dịch gần đây. Đồ họa: Ngô Minh. |
ADP từ lâu đã thể hiện mong muốn đầu tư vào sân bay Long Thành. Hai năm trước, hãng này đã đề nghị một khoản đầu tư trị giá 2 tỷ USD vào đây.
Hiện tại, vốn điều lệ của ACV đang là 21.000 tỷ đồng, tương đương 951 triệu USD. Sau đợt IPO diễn ra vào năm 2015, đã có hơn 2,177 tỷ cổ phiếu ACV được niêm yết trên UPCoM vào tháng 11/2015.
Cổ phiếu ACV đang giao dịch với giá trong khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu, gấp đôi giá tham chiếu trong ngày niêm yết đầu tiên, giúp đơn vị này có vốn hóa thị trường đạt 110.000 tỷ đồng 21/11/2016.
ACV dự định chuyển niêm yết 2,177 tỷ cổ phiếu lên sàn HOSE vào cuối năm nay. Và ADP là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên liên hệ ACV thể thiện mong muốn trở thành đối tác chiến lược đầy tiềm năng, chỉ 2 ngày sau khi Chính phủ thông qua phương án thoái vốn Nhà nước tại đây.
Kết quả lợi nhuận của ACV trong 5 năm trở lại đây. Đồ họa: Ngô Minh. |
Trước đó, cũng vào năm 2015, ADP đã đề nghị mua tới 30% cổ phần ACV trước khi doanh nghiệp này tiến hành IPO.
Ban đầu, ACV dự kiến không bán hơn 10% cổ phần cho bất kỳ đối tác nào. Tuy nhiên, mức bán vốn sau đó đã được nâng lên 20% cho ADP và giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp vận hành cảng hàng không này xuống còn 75% từ 95,4%.
Trong năm 2016, ACV đã phục vụ gần 81 triệu hành khách trong hệ thống 22 sân bay tại Việt Nam, và 1 triệu tấn hàng hóa.
Với việc mua 20% cổ phần tại ACV, ADP thể hiện tham vọng muốn có vị trí chắc chắn tại một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới.
Đơn vị tới từ Pháp đã vượt qua Tập đoàn sân bay Changi của Singapore và BIDV của Việt Nam để trở thành đối tác chiến lược của ACV. Hiện tại, các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có VinaCapital chỉ nắm dưới 3% cổ phần tại ACV.
Năm 2016, ACV công bố mức lãi ròng hơn 2.600 tỷ đồng và doanh thu đạt trên 14.000 tỷ đồng, công ty này đặt mục tiêu tăng doanh thu 8% và 3% lợi nhuận sau thuế mỗi năm trong giai đoạn 2017-2020.
Theo Zing