|
Cùng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ gia tăng trên Internet và cung cấp các tiện ích cho người dùng Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước sẽ tuân thủ mọi nghĩa vụ với luật pháp trong nước, nhưng Google, Youtube thì không bởi họ không cần văn phòng đại diện tại Việt Nam vẫn kinh doanh được. Đây là một đặc trưng của loại hình kinh doanh xuyên biên giới hay còn vấn đề gì khác, thưa ông?
Câu chuyện này không mới, nó diễn ra hơn chục năm nay rồi. Nó tạo ra một môi trường cạnh tranh không lành mạnh khi một bên là các công ty trong nước chịu sự quản lý triệt để của Nhà nước từ nội dung, giấy phép, kỹ thuật.... còn các công ty nước ngoài thì không.
Nhìn vào các sản phẩm/website hàng đầu Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay là có chút ít traffic, còn lại là nhỏ và chết cả rồi. Ví dụ như mạng xã hội chúng ta có khoản mấy trăm mạng xã hội đăng ký và xin giấy phép nhưng 90% traffic hoạt động mạng xã hội tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu người Việt nam lại không hoạt động dưới giấy phép là Youtube, Facebook... Đấy là thực trạng hiện tại.
Các công ty Việt Nam chết dần và thị trường rơi vào tay các công ty nước ngoài. Một cách nói vui là cuộc chiến này giống như trận đấu quyền anh giữa 2 đấu thủ: một là nước ngoài mạnh khoẻ mạnh đấu với ốm yếu là Việt Nam, mà còn bị xích lại nữa.
Tuy nhiên, tôi rất vui mừng khi quan sát thấy gần đây Bộ Thông tin Truyền thông đã có những biện pháp kiên quyết để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các công ty trong và ngoài nước, đặc biệt là việc bảo vệ người dùng. Việc ban hành Thông tư số 38 về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới là một ví dụ.
Gần đây, một doanh nghiệp lớn trong nước đã tuyên bố ngừng mọi hoạt động quảng cáo trên Youtube, sau khi biết quảng cáo của họ xuất hiện trong những video có nội dung xấu, bạo lực, có hại cho trẻ em… trên Youtube. Ông thấy gì từ động thái này?
Hoạt động và làm việc trên đất nước Việt Nam phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam nên doanh nghiệp trong nước phải làm điều hiển nhiên mà họ phải làm. Đây cũng là cách các công ty nước ngoài khác đang kinh doanh tại đây phải làm: Tuân theo pháp luật Việt Nam.
Thử hình dung, một công ty cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, cho người Việt Nam, thu tiền của người Việt Nam nhưng không phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam thì có ổn không?
Nếu chúng ta quy định các công ty trong nước quảng cáo ở Việt Nam phải trên các website có giấy phép Việt Nam thì tự khắc các công ty nước ngoài cũng phải xin giấy phép thôi. Thế là công bằng với các công ty trong nước
Hiện tại, công tác quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ở nước ta đang được triển khai mạnh mẽ. Là người có nhiều kinh nghiệm trong môi trường này, cá nhân ông có đề xuất gì để tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng, tuân thủ luật pháp và bảo vệ người dùng đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm như trẻ em?
Các công ty/website nước ngoài đặt server ở Việt Nam phải có giấy phép hoạt động ở Việt Nam hoặc ít nhất là nếu website trong nước chịu quy định gì thì nước ngoài cũng thế. Chúng ta không chặn các website nhưng hoạt động ở nước nào phải theo quy đinh và pháp luật nước đấy. Họ cần mở văn phòng đại diện tại Việt Nam để có người chịu trách nhiệm.
Tôi lấy ví dụ là Google, Youtube, Facebook… đặt hàng nghìn server tại Việt Nam, có tên miền của Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho hàng chục triệu người Việt Nam, thị phần quảng cáo online chiếm đến hơn 70% tại Việt Nam nhưng lại không cần giấy phép hoạt động tại Việt Nam, không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì rất vô lý.
Theo Tri Thức Trẻ