Đối thoại chủ nợ vụ 'Đại gia thủy sản trốn ra nước ngoài'

Thứ tư, 08/03/2017, 11:44
Sau khi lãnh đạo công ty Thuận An ra nước ngoài không về, số nợ ngân hàng, nợ người nuôi cá, bảo hiểm xã hội... của công ty này được xác định tới hàng trăm tỉ đồng.

Một hộ dân nuôi cá tra ở huyện Châu Phú thuộc chuỗi liên kết dọc

Ngày 7-3, ông Võ Nguyên Nam - giám đốc Sở Công thương An Giang kiêm tổ trưởng tổ xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án “Chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco” - đã tổ chức buổi đối thoại với 10/13 hộ dân trong chuỗi liên kết về các khoản vay mà nông dân đang “lâm nợ” từ chuỗi liên kết Công ty thủy sản Thuận An.

Không dám nuôi thủy sản vì sợ rủi ro

Mở đầu buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Hải - phó giám đốc Agribank chi nhánh An Giang - cho biết đến thời điểm này Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thuận An nợ 12 hộ nuôi cá trong chuỗi liên kết với tổng số tiền trên 129 tỉ đồng.

Trong đó có 2 hộ không đồng ý khiếu nại vì liên quan trực tiếp với công ty. Còn lại 10 hộ được tổ xử lý nợ thống nhất đề xuất 3 phương án xử lý.

“Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận và chỉ đạo Agribank hướng dẫn hồ sơ, thủ tục chuyển phần nợ 57,514 tỉ đồng của 10 hộ nông dân trong chuỗi cho Công ty Thuận An nhận nợ.

Đồng thời tham khảo ý kiến các ngành pháp luật, Sở Kế hoạch và đầu tư trong việc cử hoặc chỉ định người đại diện cho Công ty Thuận An để nhận nợ cũng như phối hợp đối chiếu, truy đòi công nợ của công ty để tạo nguồn trả nợ cho các hộ trong chuỗi liên kết” - ông Hải nói.

Dự kiến ngày 14-3 sẽ hoàn thành công tác đối chiếu công nợ giữa 3 bên (nông dân - Công ty Thuận An - Agribank chi nhánh An Giang).

Ngày 20-3 sẽ trình phương án hoàn chỉnh cho UBND tỉnh An Giang xem xét kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Sau khi được chấp thuận thì ngày 28-3 sẽ tiến hành thực hiện cụ thể.

Tổ xử lý nợ của tỉnh An Giang cũng sẽ kiến nghị tỉnh bổ sung thêm thành viên tổ xử lý nợ gồm: lãnh đạo Cục Thuế tỉnh và thành lập nhóm giám sát xử lý nợ.

Tổ xử lý nợ sử dụng nguồn thu từ tiền hoàn thuế VAT năm 2015 và năm 2016 của Công ty Thuận An được 14,921 tỉ đồng để trả cho số hộ dân bán cá cho Thuận An.

Tại buổi đối thoại, đa số hộ nuôi đồng tình phấn khởi trước phương án của tổ xử lý nợ đưa ra. Nhiều nông dân cũng tỏ ra lo lắng vì hiện tại giá cá tra lên cao mà người nuôi không dám thả nuôi vì sự “rủi ro” này.

“Hiện nhiều công ty không dám bán thức ăn cho chúng tôi nữa vì chuỗi liên kết bị vỡ như vậy. Lỡ nuôi cá lớn thì ngân hàng lại đến lấy tiền rồi sao?

Phương án này chúng tôi an tâm rồi. Giờ nông dân có thể thả nuôi, chứ cá có giá mà người nuôi không hưởng lợi gì cũng kẹt cho bà con” - ông Nguyễn Văn Tấn nói.

Công ty ôm nợ hàng trăm tỉ đồng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Nguyên Nam cho rằng hiện tại bản thân ông cũng không biết lãnh đạo của Công ty Thuận An đang ở đâu và làm gì. Với phương án này, nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận thì người nông dân sẽ tiếp tục vay vốn thả nuôi cá bình thường.

Như Tuổi Trẻ thông tin, ngày 29-10-2016, ông Nguyễn Thái Sơn (chủ tịch hội đồng thành viên) và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh (tổng giám đốc Công ty Thuận An) đi Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá, sau đó bặt tăm đến nay không trở về công ty.

Các cơ quan chức năng đang xác minh sự vắng mặt của người đại diện theo pháp luật của công ty này. Công ty Thuận An đang được ông Hoàng Hữu Thành - phó tổng giám đốc - điều hành hoạt động theo giấy ủy quyền.

Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng đã vào cuộc làm rõ các khoản doanh nghiệp này vay ngân hàng.

Tính đến tháng 11-2016, Công ty Thuận An vay Agribank chi nhánh An Giang và các ngân hàng khác với tổng dư nợ gần 600 tỉ đồng và hơn 2,51 triệu USD, nợ người nuôi cá 120 tỉ đồng, nợ tiền mua bao bì, hóa chất một số doanh nghiệp 20 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 3,43 tỉ đồng...

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích