SaigonNews – Các nước châu Á và Nga vẫn đang là hậu phương vững chắc cho Iran trong cuộc đối đầu sâu sắc với phương Tây.
Quan hệ giữa Iran và Ấn Độ
Vật lộn với lệnh trừng phạt ngày càng khắc nghiệt suốt 18 tháng qua, Iran đang chuyển mối quan hệ sâu sắc của mình vào Trung Quốc – hiện là đối tác thương mại hàng đầu của quốc gia dầu mỏ.
“Thương mại của chúng tôi với châu Âu đã từng chiếm 90% doanh số nhưng hiện nay chỉ xấp xỉ 23-24 tỷ USD trên tổng số 200 tỷ USD xuất khẩu.” Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cho biết sau khi EU khẩn cấp áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran vào tháng 1/2012. Theo ông lệnh cấm vận này “không hề thu hẹp tầm hoạt động của Iran.”
Iran dự kiến sẽ đạt mức 100 tỷ USD trong xuất khẩu dầu mỏ và 45 tỷ USD các sản phẩm khác vào cuối năm tài chính vào tháng 3 sắp tới. Theo dự báo chính thức, tổng nhập khẩu của nước này sẽ vào khoảng 55 tỷ USD.
“Vì lệnh trừng phạt này cũng như các động thái trước đó, chúng tôi sẽ cắt hết tất cả những liên minh kinh tế với phương Tây.”Tướng Hossein Salami thuộc Vệ binh Cách mạng Iran cho biết vào tháng trước. Lực lượng này là một trong những mục tiêu chính của các biện pháp trừng phạt.
Iran xuất khẩu hơn 70% lượng dầu cho thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang mua 40% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Hai quốc gia này đang chống lại những biện pháp cấm vận từ phương Tây, họ tuyên bố chỉ làm theo những động thái do Liên Hiệp Quốc ban hành.
Ấn Độ nhập khẩu từ Iran khoảng 12% nhu cầu dầu lửa của mình, tương đương 350,000-400,000 thùng mỗi ngày, cho biết nước nàysẽ không cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran.
Thương mại giữa Trung Quốc và Iran tăng hơn 50% trong khoảng thời gian từ 2010-2011, đạt 45 tỷ USD. Hiện liên minh này đang dự tính tăng con số này lên gấp đôi, khoảng 100 tỷ USD vào năm 2015. Trong khi đó giao thương với Hàn Quốc đã tăng trưởng 61% trong năm 2011.
Tuy nhiên, thương mại với các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất UAE, một đối tác truyền thống thuộc vùng Vịnh đã giảm 1/3 khi Mỹ áp đặt cấm vận với Iran. UAE là thị trường tái xuất hàng hóa của các khu vực như châu Âu, châu Á, Mỹ vào Iran.
Dù không nhận được những khoản tiền bán dầu bằng euro hay USD, Iran vẫn không nao núng khi khách hàng châu Á tiếp tục nhập khẩu dầu.
“Thư tín dụng xuất nhập khẩu dầu mỏ đang được mở cho các đối tác bằng nhân dân tệ Trung Quốc, rúp Nga, AED (nội tệ UAE), lira của Thổ Nhĩ Kỳ, hỗ trợ tối đa cho việc nhập khẩu dầu mỏ.” một nhà kinh doanh Iran giấu tên cho biết. “Các bịên pháp cô lập tài chính Iran từ phương Tây sẽ giúp chúng tôi thắt chặt hơn quan hệ với châu Á, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.”
Một nhà ngoại giao châu Âu tại Tehran cho biết,“Vào năm 1995, Mỹ áp đặt trừng phạt đơn phương của họ vào Iran. Việc này thực tế đã thúc đẩy thương mại giữa Iran và châu Âu. Và ngày nay với các hình thức cấm vận từ phương Tây, biết đâu sẽ tạo một đà tăng trưởng mới trong quan hệ giữa Iran và các công ty châu Á.”