Trong những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại (NHTM) giảm xuống còn 21.000 đồng/USD (giảm từ 106 đến 116 đồng/USD so với mức giá của những ngày trước đó). Giá USD trên thị trường tự do những ngày này cũng ở mức dưới 21.000 đồng/USD.
Đến những ngày áp Tết Nhâm Thìn, giá niêm yết mua vào - bán ra USD lại giảm xuống khoảng 20 đồng. Đại diện lãnh đạo một NHTM lớn cho biết, lượng ngoại tệ đang rất dồi dào, nhu cầu của khách hàng không lớn lắm. Sự chênh lệch không đáng kể về tỷ giá USD/VND giữa thị trường "tự do" và ngân hàng là hiện tượng lạ so với những năm trước đây khi giá USD dịp cận Tết Nguyên đán thường tăng mạnh.
Sở dĩ có kết quả này là trong năm qua NHNN đã chủ động và linh hoạt trong điều hành tỷ giá. Từ việc liên tục điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng, áp trần lãi suất huy động cho đến việc siết lại các hoạt động mua bán ngoại tệ đã làm giảm việc tích trữ và giao dịch ngoại tệ một cách tràn lan. Việc xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm giao dịch ngoại tệ trái phép, đã phần nào giảm được hiện tượng Đô- la hóa trong nền kinh tế.
Mặt khác, các thông tin vĩ mô khả quan gần đây cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng trong việc ổn định tỷ giá. Cung ngoại tệ trong nền kinh tế cũng đã dồi dào hơn khi lượng kiều hối chuyển về nước trong năm 2011 đạt con số 9 tỷ USD, các dòng vốn khác như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn viện trợ phát triển (ODA)… vẫn duy trì ở mức khả quan. Trong khi đó nhập siêu cũng giảm khá mạnh. Do vậy, cung cầu ngoại tệ không còn mất cân đối như trước đây.
Bên cạnh đó, việc chênh lệch lãi suất gửi USD và VND tới 12%/năm cũng đã khiến cho người dân chuyển sang gửi VND vì sẽ có lợi hơn so với việc giữ ngoại tệ. Điều này cho thấy, lòng tin đối với VND đã đang được phục hồi, khi tỷ giá biến động không quá 1% cho tới cuối năm theo đúng cam kết của NHNN. Và như vậy, năm 2012 tỷ giá sẽ không đáng lo ngại và mức biến động (nếu có) sẽ rất thấp. Do đó, thói quen tích trữ USD trong dân chắc chắn sẽ giảm đáng kể.
Đối với thị trường vàng, những người cho rằng vàng "chỉ tăng, không giảm" đã lỗ nặng khi giá vàng xuống dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng tại các phiên giao dịch cuối năm 2011. Ở thời điểm hiện nay các chuyên gia khuyến cáo, nên giữ VND gửi ngân hàng để chờ cơ hội giá vàng giảm sâu hơn nữa, khi dự báo giá vàng thế giới thời gian tới có thể chỉ còn ở mức 1.300 USD/ounce và giá trong nước ở mức khoảng 37 triệu đồng/lượng.
Với thị trường bất động sản (BĐS), sự sôi động hay trầm lắng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các dòng vốn trong nền kinh tế. Với việc đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu trong năm nay, Chính phủ đã gửi đi thông điệp, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục thắt chặt. Định hướng của NHNN cho tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay cũng chỉ 15-17%, thấp hơn so với định hướng năm 2011 là 20%. Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp BĐS, cho nhà đầu tư và cả cho những người có nhu cầu nhà, đất thực sự cũng bị hạn chế.
Dòng vốn nước ngoài vào thị trường này thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối cũng sẽ giảm khi giá nhà của nhiều nước trên thế giới thấp hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu nên cũng sẽ làm giảm dòng vốn nước ngoài vào thị trường này. Những yếu tố này khẳng định, cơ hội kiếm lời từ BĐS trong chu kỳ một năm là rất khó. Theo các chuyên gia, BĐS hiện nay phải tính chu kỳ dài hơi, 3-5 năm nữa.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, tỷ giá trên thị trường tự do sát với tỷ giá chính thức. Một số kênh khác như vàng, bất động sản được khuyến cáo nên thận trọng khi đầu tư và mức độ rủi ro sẽ cao hơn trước rất nhiều. Những tín hiệu này cho thấy trong năm 2012, VND có nhiều triển vọng giành lại được vị thế của mình.
Theo Hà Nội Mới