Nếu như tháng 2 năm ngoái, TTCK được ví như một con mèo đang ngái ngủ, thì tháng 2 năm nay lại được nhìn nhận như con Rồng đang bắt đầu gượng dậy, bởi những tín hiệu khả quan từ thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Vào đầu năm 2011, Nghị quyết 11 đã mở ra giai đoạn thắt chặt chi tiêu công và thắt luôn cả bầu tín dụng, vốn đã tiếp sức cho các thị trường đầu cơ từ đầu năm 2009. Có thể, 2 năm là khoảng thời gian đủ để mỗi cuộc đầu cơ phải dừng chân nhưng tháng 2/2011 mới chỉ là đoạn đầu của “con đường đau khổ” đối với TTCK. Vào thời điểm đó, trong khi VN - Index giằng co ở vùng 450 - 500 điểm, thì chỉ số HNX -Index của sàn Hà Nội đã kịp thoái lui về vùng 90 điểm, tức chỉ bằng khoảng 1/5 so với đỉnh của nó được lập vào tháng 3/2007. Cho đến đầu năm 2012, HNX đã tạo đáy tại mốc 55 điểm, mất gần 90% so với mức điểm cao nhất trong lịch sử của sàn này.
Nền kinh tế vĩ mô cũng chưa có gì đáng gọi là khả quan và Nghị quyết 11 vẫn còn nguyên giá trị, bức tranh thị trường tín dụng năm 2012 vẫn được phác thảo với đầy khó khăn. Chỉ có điều, tháng 2 năm nay lại mang một sắc thái mới. Không u ám và tiềm ẩn nguy cơ như điểm khởi đầu vào năm ngoái, thời điểm này lại có những đặc thù của “vùng đáy” đối với nền kinh tế.
Trên phạm vi rộng hơn, các nền kinh tế chủ chốt ở Mỹ và Tây Âu, kể cả Đông Âu cũng đã đều lập đáy vào hai tháng cuối của năm 2011. GDP bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Cùng với đó là các chỉ số sản xuất công nghiệp, xây dựng và xuất khẩu cũng nhích dần lên. Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề nợ công ở Hy Lạp và Ý đang được Cộng đồng châu Âu giải quyết một cách tương đối ổn thỏa, đem lại nhiều hy vọng cho TTCK thế giới.
Mặt bằng lãi suất của ngân hàng vẫn chưa hạ để kích thích tăng trưởng. Có thể vẫn còn những lý do nào đó, dù chưa đủ sức thuyết phục, liên quan đến bóng ma lạm phát hay vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Nhưng một hiện tượng đang dần được xác nghiệm là TTCK Việt Nam bắt đầu có tín hiệu hồi phục. Đặc biệt hơn, tín hiệu này lại xuất phát từ phía cơ quan quản lý thị trường. Đã có sự thay đổi đáng kể về nhận thức, kéo theo sự đổi thay về quan điểm điều hành thị trường.
Sẽ không có gì quá đáng nếu kỳ vọng TTCK Việt Nam phục hồi từ đầu năm 2012. Bởi lẽ, những chỉ số chứng khoán tiêu biểu cho chỉ báo kinh tế thế giới như Dow Jones và S&P500 của Mỹ, DAX của Đức, FTSE của Anh… đã bắt đầu chu kỳ tăng trưởng mới từ tháng 10/2011. Vì thế, nếu xem chứng khoán là “điềm báo” cho sự vận động của nền kinh tế trước từ 3 - 6 tháng, thì có thể lấy mốc phục hồi kinh tế Việt Nam từ cuối quý II, đầu quý III/2012 để quy chiếu cho thời điểm tạo đáy và lấy đà đi lên của các chỉ số chứng khoán.
Nền kinh tế vẫn còn vô vàn khó khăn phía trước, kế hoạch tái cấu trúc TTCK mới chỉ bắt đầu và dường như lại được khởi động từ việc tái cấu trúc về… thời gian giao dịch. “T+2” lại càng mơ hồ hơn vì vẫn chưa thấy một triển vọng nào được áp dụng trong ngắn hạn… Song, có lẽ điều ngạc nhiên sẽ luôn đến với một thị trường khó đoán định như chứng khoán. Trong vô cùng khó khăn tưởng như không thể vượt qua, chứng khoán đang từng bước “bò” lên, kỳ vọng như con Rồng đang gượng dậy cất cánh…