Đại lý gas đủ chiêu “xiết cổ” người tiêu dùng

Thứ hai, 06/02/2012, 17:08
Chỉ trong vòng 2 tháng các đại lí kinh doanh gas đã 4 lần tăng giá, nâng mức giá hiện tại lên gần 500.000 đồng/bình gas 12kg.

Điều đáng nói, dù mức giá tăng như vậy, nhưng nhiều hàng gas nhái vẫn được trà trộn theo hàng chính hãng để bán với giá “cắt cổ” đến nhà dân, đặc biệt khu vực ngoại thành.

Tăng 4 lần trong vòng 2 tháng

Vừa qua kì nghỉ tết, người tiêu dùng đã phải đón nhận thông tin gas tăng thêm 42.000 đồng mỗi bình, nâng giá gas hiện tại lên mức 450-460.000 đồng/bình 12 kg. Đây là lần tăng giá cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Dù theo các cty kinh doanh gas, mức tăng này đến tay người tiêu dùng vào khoảng 423 – 425.000 đồng/bình 12 kg, nhưng không hiểu sao khi qua các đại lí bán lẻ, giá lại đội lên đến vài chục nghìn đồng mỗi bình.

Image

Trong vòng 2 tháng qua, giá gas đã tăng đến 4 lần

 

Theo khảo sát của chúng tôi ở các đại lí khu vực quận Long Biên, Hà Nội và khu vực phố Lò Đúc, phố Kim Ngưu… giá gas vẫn phổ biến từ 440 – 460.000/bình 12 kg. Chủ đại lí gas Phương Anh trên phố Ngọc Lâm cho biết, tính từ tháng 1 đến nay, gas đã 4 lần tăng giá, riêng dịp giáp tết tăng 2 lần, tổng cộng là tăng đến 90.000 đồng.

Chị Hằng, chủ cửa hàng gas Quang Vinh trên phố Lò Đúc báo giá loài bình Petro gas giá hiện tại là 460.000 đồng/bình 12kg, các hãng Gia định, Vinagas, Đại Hải đều có giá sàn là 450.000 đồng, riêng Totall gas là 460.000 đồng. Chị Hằng cũng nhận định, phải đến mùa hè, khi nhu cầu sấy và sưởi ấm giảm thì giá gas mới có thể giảm được.

Lí do tăng giá đợt này mà các hãng cung cấp gas đưa ra là do giá CP (hợp đồng thế giới) tăng cao, tăng 145 USD/tấn. Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng ở Iran cũng gây giá gas tăng mạnh.

Đủ “chiêu” móc túi người dùng

Giá gas tăng cao khiến nhiều người tiêu dùng bắt đầu để ý đến thương hiệu của loại gas mình đang dùng và phát hiện ra nhiều cách làm ăn dối trá của các đại lí bán lẻ gas.

Theo anh Đinh Văn Kiên ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội, nhà anh trước đây hay gọi bình Petro Việt Nam màu hồng, nhân viên của cửa hàng gas mang tới anh cũng không để ý vì thấy bình gas màu hồng.

Image

Khu vực ngoại thành, người dùng dễ bị các đại lí gas "bắt nạt"


Cho đến khi giá cả tăng cao như đợt tết vừa rồi thì anh mới để ý đến bình gas, tuy là màu hồng nhưng lại là loại SH Petro của Gia Định gas chứ không phải là bình Petro Việt Nam. Hai hãng gas này chênh nhau 20.000 đồng/bình.

Ở khu vực ngoại thành, các đại lí gas càng được dịp tung hoành bởi người dân ít có khái niệm về thương hiệu gas. Dù đã mua gas gần 10 năm ở cửa hàng gas quen thuộc gần nhà, nhưng anh Cường ở Đồng Ngàn, Đông Anh, Hà Nội cũng vẫn không biết mình đang dùng loại gas nào, chỉ biết là hết gas thì gọi, đại lí mang gas nào thì dùng gas đó.

Cho đến ngày hôm qua, khi giá gas tăng tới 460.000 đồng/bình anh mới để ý, hóa ra nhà anh vẫn dùng hãng gas Anfa gas. Thực tế, loại gas này được bán ở các đại lí khác giá rẻ hơn từ 10- 20.000 đồng so với giá 460.000 đồng của hãng Petro Việt Nam.

Một thực trạng nữa là hiện nay, khi giá gas tăng cao, các loại gas đểu, gas nhái sẽ được sang chiết vào vỏ bình chính hãng để bán tới người tiêu dùng với giá rẻ hơn, nhất là với loại bình gas mini. Trong bối cảnh này, chắc chắn loại gas trên sẽ thu hút được người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng không đủ thông tin để kiểm tra bình gas độ an toàn của bình gas.

Đại diện Hiệp hội gas Việt Nam cho biết, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng phải chọn thương hiệu gas có uy tín và chọn đại lí gas đáng tin cậy để mua được sản phẩm an toàn. Về việc gas tăng giá, Hiệp hội gas sẽ thay mặt các DN kinh doanh gas gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu để giảm giá gas trong nước.

 


Theo VTC

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích