Thanh tra thêm 3 dự án thua lỗ, yếu kém ngành công thương

Thứ sáu, 22/09/2017, 09:30
Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy đóng tàu Dung Quất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Bộ Công Thương, Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra toàn diện 4 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành công thương. Các dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng; Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành quyết định thanh tra tại 3 dự án là: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 Lào Cai; Nhà máy Bột giấy Phương Nam và Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và có kết luận một số dự án yếu kém, thua lỗ ngành công thương. Các dự án đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra là một số dự án nhiên liệu sinh học, xơ sợi Đình Vũ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Năm 2016, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra đối với dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Nhà máy đóng tàu Dung Quất, một trong 3 dự án bị thanh tra đợt này. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo Bộ Công Thương, 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành chia làm 4 nhóm:

Thứ nhất là nhóm 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và DAP số 2 - Lào Cai.

Thứ hai, nhóm 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH): Nhà máy NLSH Quảng Ngãi, nhà máy NLSH Phú Thọ và nhà máy NLSH Bình Phước.

Thứ ba, nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Thứ tư, nhóm các nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex), Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.

Thống kê tài chính của 12 dự án yếu kém ngành công thương. Đồ họa: Hiếu Công.

Bộ Công Thương cho biết tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43.600 tỷ đồng. Sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%).

Vốn chủ sở hữu của 12 dự án là 14.350,04 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% là từ các nguồn khác.

Trong tổng số vốn vay, vay các ngân hàng trong nước là 41.801,24 tỷ đồng. Trong đó vay Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới ngày 31/12/2016 là 16.126,02 tỷ đồng.

Tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng. Tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn