Đi tìm vị ngọt của tiền ảo

Thứ hai, 06/11/2017, 15:57
Tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo là hơn 190 tỉ USD, trong đó Bitcoin đóng góp 61%.


Đầu tư vào đồng tiền này đi, có lời lắm. Hẳn ai cũng ít nhất một lần nghe qua lời chào mời đầu tư vào tiền ảo. Mức kỷ lục mới hơn 7.200 USD/đồng (3.11.2017) của Bitcoin là bảo chứng mạnh mẽ cho mức sinh lời không tưởng của thị trường này. Ai nghe cũng ham nhưng đầu tư vào đâu và như thế nào lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Sức hút tiền ảo

Khái niệm “trâu cày” xuất hiện trong giới đầu tư tiền ảo tại Việt Nam. Đó là hình thức đầu tư trực tiếp, thông qua việc mua máy tính với “độ khủng” về khả năng tính toán từ CPU, hoặc GPU (card màn hình) để “đào mỏ”, tức tính toán những giải thuật để xếp những khối “block” tạo thành chuỗi, sẽ được gọi là blockchain.

Ngoài đầu tư tài sản cố định lớn, dân “trâu cày” còn phải tính toán trả các chi phí khác như tiền điện, khấu hao máy móc. Các xưởng “đào mỏ” thường được đặt ở khu vực lạnh (để giải nhiệt cho thiết bị). Trung Quốc hiện chiếm hơn 58% quy mô “trâu cày” có thị phần trên 1% Bitcoin tạo ra trên toàn thế giới. Theo blockshain.info, giá trị doanh thu đào Bitcoin tích lũy (tính cả tiền ảo và phí giao dịch) quy đổi ra khoảng 2,07 tỉ USD.

Nhưng không phải ai cũng biết làm “trâu cày”, vốn cần phải hiểu biết khá nhiều về kỹ thuật. Các công ty tư nhân biết được điều này. Họ đứng ra mua máy móc, đưa ra những gói hợp tác hấp dẫn để chào mời nhà đầu tư. Nhà đầu tư chỉ cần bỏ tiền, được cung cấp một ví điện tử để chứa loại tiền ảo của công ty đó tạo ra, được sử dụng trong hệ sinh thái của chính công ty đó. Nhà đầu tư sẽ được phần thưởng sau những mốc thời gian nhất định. Số tiền ảo này thường bị giới hạn giao dịch trong một thời gian. Đây là hình thức công ty giữ chân nhà đầu tư.

Vậy nhà đầu tư kỳ vọng vào đâu? Đó là khi dự án công ty thành công, công ty tặng thưởng, hoặc khi đồng tiền ảo đó lên sàn, khiến giá tăng vọt. Quá trình này không phải dễ dàng. Lấy ví dụ ở đồng Pura. Công ty hứa hẹn đến tháng 9 lên sàn và ước cũng phải được 5 USD/đồng, nhưng đến nay đã lỗi hẹn và chỉ còn hơn 0,4 USD/đồng.

Tất cả các mỏ đào có thị phần hơn 1% trên tổng số Bitcoin tạo ra đều đưa ra ngôn ngữ tiếng Anh, dù chúng ở những nước có ngôn ngữ riêng, nhằm thu hút nhà đầu tư quốc tế. Nhưng như thế là chưa đủ. Nguồn lực thu hút ngày nay là đầu tư không biên giới và để lôi kéo thêm người đầu tư, tạo kỳ vọng càng cao thì càng có cơ hội đẩy giá lên, hầu hết các công ty đưa ra hình thức giới thiệu nhà đầu tư, hay còn gọi là đa cấp.

Nhà đầu tư trước giới thiệu cho nhà đầu tư sau để ăn thêm hoa hồng, trong đó không hiếm những sàn có mức chia hoa hồng rất cao. Mức độ tăng giá của nó phụ thuộc vào việc càng nhiều người tham gia mạng lưới càng tốt, vì khi nhu cầu tăng lên, giá chắc chắn sẽ tăng theo cùng sự kỳ vọng của mọi người.


Theo Coinmarketcap.com, hiện có đến 1.214 loại tiền ảo, được giao dịch trên 6.131 sàn, phần lớn là phi chính thức. Trong đó, Bitcoin được giao dịch ở tất cả các sàn, xếp tiếp theo là đồng Ethereum (43%) và Litecoin (35%). Các đồng tiền mới được tạo ra, có giá rẻ và tỉ suất lợi nhuận kỳ vọng cao, được chú ý đến nhiều hơn. Còn với những đồng tiền lâu đời, lên sàn chính thức, được giới đầu tư chuyên giao dịch kiếm chênh lệch hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Nhiều người dùng những đồng tiền lâu đời như Bitcoin để mời chào cơ hội đầu tư với những đồng tiền mới ra đời có giá chưa đến 1USD.

Có những câu chuyện nói rằng người đầu tư tiền ảo mua được nhà, tậu được xe, hay ít nhất là cũng thu hồi vốn đầu tư, nói chung là tạo tài sản thật từ tiền ảo. Tất nhiên, hiếm có nhà đầu tư nào xuất hiện chính thức trên truyền thông, thay vào đó là những nhóm trò chuyện riêng được lập trên nhiều mạng xã hội để chia sẻ thông tin cho nhau, kêu gọi đầu tư. Trong những nhóm đó, câu chuyện xoay xung quanh là giá đồng tiền hôm nay, tiềm năng của đồng tiền nhìn từ góc độ nhà đầu tư. Đồ thị tăng giá, tiềm năng công ty được phân tích không kém gì những chuyên gia phân tích từ các công ty chứng khoán.

Một hình thức huy động tiền thật từ nhà đầu tư cũng được các công ty tư nhân sáng tạo thêm gần đây là “phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng” (ICO). Khái niệm này tương tự dễ gây nhầm lẫn với IPO, là việc các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư trả tiền thật, đổi lấy tiền ảo để dùng trong các hệ sinh thái của công ty đó, hoặc kỳ vọng đồng tiền sẽ tăng giá theo dự án mà công ty đưa ra trong tương lai. Đó là hình thức đánh cược vào tương lai của dự án.

Rủi ro không nhỏ

Các thuật ngữ khó hiểu ngăn cản những nhà đầu tư tiềm năng, nhưng tỉ suất lợi nhuận thì thúc giục họ bước tiếp. Các nhà đầu tư tiềm năng vẫn cứ sốt ruột nhìn giá Bitcoin tăng mãi. Tính đến ngày 3.11, Bitcoin lại một lần nữa phá kỷ lục mới, lên mức hơn 7.200 USD/đồng,tăng gần 65% so với đầu tháng 10 vừa qua.

Giá Bitcoin cao nhưng không phải loại tiền ảo nào cũng cao như vậy, chẳng hạn như đồng Ethereum có giá khoảng hơn 290 USD/đồng, hoặc đồng Ripple chỉ có giá 0,2 USD/đồng. Lý do Bitcoin tăng khủng trong thời gian gần đây là vì CME, sàn giao dịch có giá trị lớn nhất thế giới có trụ sở ở Chicago, dự kiến giới thiệu chỉ số Bitcoin tương lai vào cuối năm nay, tròn 1 tháng sau khi bác bỏ kế hoạch này.

Dù vậy, nhìn chung tất cả các đồng tiền đều tăng mạnh so với hồi đầu năm. Chẳng hạn như Bitcoin tăng gấp gần 7,5 lần, còn Ethereum tăng 34,1 lần. Dòng tiền đổ vào ngày càng nhiều hơn đã “kích” giá tăng đáng kể. Tổng giá trị vốn hóa thị trường là hơn 190 tỉ USD, trong đó Bitcoin đóng góp 61%.

Một lý do đẩy giá tăng là chính phủ các nước cởi mở hơn với tiền ảo như Nhật, Singapore hay Trung Quốc (cho dù nước này không công nhận các sàn giao dịch tiền ảo phi chính thức khiến thị trường chao đảo nhiều phiên). Riêng với Bitcoin, ra đời đầu tiên, đồng tiền này đang trên con đường xác lập tính hợp pháp của nó. Một số nhà bán lẻ và các nhà cung cấp dịch vụ lớn chấp nhận máy Bitcoin. Tính tiện lợi, chi phí giảm giúp doanh nghiệp, người dùng, nhà đầu tư dần chấp nhận chúng là hợp pháp.

Tuy nhiên, những tranh cãi về tiền ảo nói chung chưa có hồi kết. Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), mới đây nói về tiềm năng của tiền ảo. Ngược lại, Jamie Dimon, Tổng Giám đốc JPMorgan Chase, gọi Bitcoin là một hình thức gian lận (dù sau này dính đến sự việc JPMorgan Chase có những giao dịch liên quan đến Bitcoin).

Gần đây nhất, Jordan Belfort, một cựu môi giới cổ phiếu biệt danh “Sói già Phố Wall” khẳng định trào lưu phát hành tiền số lần đầu ra công chúng (ICO) là “phi vụ lừa đảo lớn nhất từ trước đến nay” và có thể “nổ tung” bất cứ lúc nào. Như vậy, những nhân vật sừng sỏ trong giới tài chính, kể cả các nhà tài phiệt, đều lên tiếng về Bitcoin với những quan điểm trái ngược.

Nhưng có một điểm không thể phủ nhận: rủi ro giao dịch tiền ảo là hiện hữu. Các giao dịch và ví chứa tiền ảo không cung cấp sự bảo vệ giống như các giao dịch tài chính truyền thống như ngân hàng. Người giao dịch cũng đối mặt với rủi ro tấn công ví, an ninh mạng, mà điển hình là sàn Mt Gox bị tin tặc “ghé thăm”. Bitcoin vẫn chưa có tư cách pháp lý như một loại tiền tệ. Hơn nữa, chính phủ các quốc gia cũng đều phải tham gia đạo luật chống rửa tiền, trong khi các giao dịch tiền ảo là ẩn danh.

Đến đây một câu hỏi được đặt ra: Liệu chỉ nên rót tiền vào các loại tiền ảo đáng tin tưởng, như nằm trong top 10 đồng tiền có giá trị vốn hóa lớn nhất hay không? Điều này tất nhiên tùy thuộc vào khả năng tin tưởng của nhà đầu tư, nhưng nên nhớ rằng cho đến nay tiền ảo vẫn là tự phát, đồng tiền ảo của họ có lên giá hay không sẽ phụ thuộc vào công ty đứng đằng sau nó.

Có người từ chối tham gia vì không biết rõ loại tiền ảo, cơ chế vận hành của sàn và những nguy cơ của nó. Cũng có người lợi dụng kẻ hở để trục lợi và cũng không thiếu những con thiêu thân. Nên nhớ, với những giao dịch tiền ảo, để có người thắng thì phải có người thua.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn