|
Lalamove, startup trong lĩnh vực giao hàng của Hồng Kông, vừa gia nhập thị trường Việt Nam với tuyên bố nói không với mô hình tăng trưởng bằng cách vung tiền quảng cáo và cạnh tranh bằng giá rẻ. Một quyết định được xem là khá liều lĩnh nếu nhìn vào thị trường Việt Nam hiện nay.
“Uber Hồng Kông”
Lalamove được Shing Chow lập ở Hồng Kông vào cuối năm 2013 và có tên gọi khác là EasyVan. Lalamove cung cấp dịch vụ giao hàng trên khắp châu Á trong vòng 1 giờ và từng được so sánh như Uber phiên bản Hồng Kông.
Nhưng khác với Uber và Grab, Lalamove chỉ tập trung vào khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm đến hơn 90%. Khách hàng cá nhân chiếm phần còn lại. Nguyên nhân là những người sáng lập của Công ty tin rằng giữ chân khách hàng doanh nghiệp dễ hơn khách hàng cá nhân, vốn rất dễ “xao động” bởi các chương trình khuyến mãi liên tục của các đối thủ trong ngành này.
Một sự khác biệt nữa là Lalamove ban đầu cung cấp dịch vụ bằng xe tải, sau đó ra mắt thêm xe máy để phù hợp với điều kiện giao thông ở các thành phố như Thái Lan, Jakarta, Kuala Lumpur hay TP.HCM.
|
Tính đến tháng 7.2017, Lalamove đã có mặt tại 100 thành phố ở Trung Quốc, 6 thành phố ở Đông Nam Á. Công ty có tổng cộng 26 triệu người dùng đã tải ứng dụng với hơn một nửa trong số đó là những người sử dụng dịch vụ thường xuyên. Số tài xế của Công ty cũng đã cán mốc 2 triệu ở Đông Nam Á và Trung Quốc.
Riêng Việt Nam, cụ thể là TP.HCM có gần 4.000 tài xế đăng ký, khoảng 1.000 tài xế tham gia thường xuyên, sau 1 tháng thử nghiệm có hơn 1.800 đơn hàng được giao thành công. Ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Điều hành Lalamove Việt Nam, cho biết cũng có kế hoạch mở rộng sang các thành phố khác trong thời gian tới. Đồng thời, Lalamove Việt Nam cũng sớm đưa dịch vụ giao hàng bằng xe tải vào Việt Nam. “Chúng tôi đã tính toán các khung giờ phù hợp để triển khai dịch vụ xe tải”, ông Lợi nói.
Theo thông tin từ website Crunchbase, tính đến nay, Lalamove đã gọi đầu tư đến vòng C, với tổng số tiền huy động hơn 160 triệu USD, phần lớn đến từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Điều này cũng không khó hiểu vì thị trường chính của Lalamove hiện vẫn là Trung Quốc. Vòng gọi vốn gần đây nhất và cũng lớn nhất (100 triệu USD) của Lalamove được tài trợ bởi Shunwei. Đây là một quỹ đầu tư do ông Lei Jun, Giám đốc Điều hành hãng điện thoại Xiaomi, đồng sáng lập.
|
Đường nào vào Việt Nam ?
Ở Việt Nam, theo ước tính của Euromonitor, doanh thu thương mại điện tử năm 2016 là 1 tỉ USD, doanh thu ngành giao nhận thương mại điện tử trung bình chiếm 10-12%, tương đương 100-120 triệu USD. Đây là con số không lớn nhưng Việt Nam thu hút gần như đầy đủ các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao hàng nhanh.
Do giao cả hàng hóa lẫn thức ăn, Lalamove có thể coi là đối thủ trực tiếp của Grab Express, UberMOTO, Ahamove (Giao hàng nhanh) và DeliverNow (Sea). Điều khác biệt duy nhất, theo ông Lợi là Lalamove sẽ không vung tiền vào quảng cáo cũng như cạnh tranh bằng giá rẻ để đổi lấy tăng trưởng người sử dụng.
Đây là một quyết định có phần liều lĩnh khi các đối thủ như Grab thường đầu tư rất mạnh vào quảng cáo và khuyến mãi để lôi kéo tài xế, người sử dụng khi mới gia nhập Việt Nam. Đó là chưa kể, số lượng tài xế của công ty Hồng Kông này hiện nay là ít so với các đối thủ, như UberMOTO hiện có khoảng 20.000 tài xế đăng ký.
“Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không đầu tư vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ đầu tư vào tài xế và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước mắt là tài xế”, ông Lợi cho biết. Theo đó, tỉ lệ hoa hồng trên mỗi đơn hàng thành công chia cho tài xế của Lalamove hiện nay là 82%, mức cạnh tranh nhất trên thị trường. Công ty cũng có các chính sách hỗ trợ tài xế như mua bảo hiểm đơn hàng, bảo hiểm xã hội cho nhóm này. Song song đó, Công ty cũng không cấm tài xế của Lalamove tham gia các nền tảng khác để cảm nhận sự khác biệt.
Trên thực tế, Lalamove rất thành công ở thị trường Thái Lan, quốc gia có nhu cầu sử dụng xe máy cao như Việt Nam, nhờ vào chất lượng dịch vụ và thời gian giao hàng đảm bảo dù Grab cũng có mặt ở đây. Nhưng thành công lớn nhất đến từ việc hợp tác chiến lược với LINE, ứng dụng nhắn tin và gọi điện thoại miễn phí có hơn 30 triệu lượt tải ở Thái Lan hồi tháng 5.2016.
Đây cũng là ứng dụng phổ biến nhất Thái Lan, theo báo cáo của Kantar Đông Nam Á đầu năm nay. Hợp tác này đã giúp đơn hàng giao thức ăn từ LINE vượt qua FoodPanda của Rocket Internet. Trước thành công này, Lalamove cũng mở lời sẽ hợp tác với các doanh nghiệp tiềm năng khác ở Đông Nam Á trong tương lai.
Chính vì thế, không loại trừ khả năng, Lalamove sẽ hợp tác với các ứng dụng có độ phổ biến tương tự LINE ở Việt Nam, rất có thể là Zalo của VNG. Song song đó, các trang thương mại điện tử cũng sẽ là đối tác mà đơn vị này nhắm tới. Ở Singapore, Lalamove từng hợp tác với Lazada, Zalora.
“Chúng tôi chưa công bố về vấn đề này”, ông Lợi từ chối trả lời câu hỏi để giữ bí mật bất ngờ của Lalamove. Dựa theo lịch sử phát triển của Công ty, nếu trong thời gian tới Lalamove không công bố các đối tác chiến lược ở Việt Nam, có thể ngầm hiểu rằng cuộc phiêu lưu ở Việt Nam của công ty này không mấy suôn sẻ. Ông Lợi cho biết ở Thái Lan, Lalamove mất 2 năm rưỡi để phát triển như hiện nay và kỳ vọng rằng ở Việt Nam sau hơn 3 năm, Lalamove sẽ có vị trí trên thị trường.
Theo NCĐT