Trà sữa ngầu bọt

Thứ ba, 02/01/2018, 12:43
Trung bình cứ 4 ngày có 1 cửa hàng trà sữa mọc lên.


Thậm chí, sự phát triển quá nhanh của thị trường thức uống này còn ảnh hưởng đến cả thị trường bất động sản cho thuê ở khu vực trung tâm.

Giá thuê bất động sản ở một số tuyến đường có nhiều cửa hàng kinh doanh trà sữa tại quận 1, TP.HCM đã tăng lên từ 25-71% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn là góc đường Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu và đây cũng là khu vực tập trung cao các quán trà sữa đến mức được gọi là “phố trà sữa”.

Thị trường 300 triệu USD

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có giá trị 282 triệu USD vào năm 2016, tốc độ tăng trưởng hằng năm là 20%. Mức tăng trưởng cao đã thu hút nhiều nhà đầu tư nhảy vào thị trường. Có 2 lý do chính dẫn đến sự bùng nổ đầu tư trong lĩnh vực này được các chủ kinh doanh trà sữa đúc kết: xu hướng người tiêu dùng và biên độ lợi nhuận hấp dẫn. “Kinh doanh trà sữa thu hồi vốn rất nhanh, khoảng 6 tháng đến 1 năm”, ông Bùi Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Taco, cho biết.

Giai đoạn năm 2002, trà sữa được du nhập vào thị trường Việt Nam. Trong khoảng 4 năm đầu, việc đón nhận thức uống này đối với giới trẻ khá chậm. Thời điểm này, công thức khá đơn giản chỉ là trà và sữa, thêm trân châu đen làm từ bột sắn, không có nhiều loại thạch (topping) ăn kèm như hiện nay. Các quán trà sữa cũng chỉ là những cửa hàng nhỏ hoặc các xe đẩy tập trung ở cổng trường học, không có thương hiệu rõ ràng, chủ yếu thu hút học sinh và sinh viên.

Đến nửa cuối năm 2009, trà sữa trân châu bắt đầu hạ nhiệt và nhiều cửa hàng phải đóng cửa. Tuy nhiên, năm 2012, một lần nữa thị trường này phục hồi do các thương hiệu trà sữa Đài Loan bắt đầu quay lại khai thác thị trường Việt Nam, phát triển quy mô lớn hơn với dạng chuỗi, thiết kế không gian hiện đại hơn.

Nổi lên trong xu hướng mới này là các tiệm trà sữa Gong Cha và Koi Thé. Bên cạnh đó, có đến hàng chục thương hiệu trà sữa khác, mỗi thương hiệu sẽ khác nhau về vị trí trong bảng xếp hạng về giá, người sử dụng.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, top 5 thương hiệu trà sữa có mức độ phổ biến theo thứ tự là Hot&Cold, Hoa Hướng Dương, Phúc Long, Gong Cha và Tiên Hưởng. Độ phổ biến này có thể được xếp theo phân khúc giá từ thấp đến cao, bởi những cái tên được nhắc đến đầu tiên đang có giá thấp hoặc khá phù hợp với phân khúc chính là học sinh, sinh viên, tuổi teen chưa có thu nhập cao ở mức giá khởi điểm từ 25.000-30.000 đồng/ly.

Ở phân khúc thấp và trung, Hot&Cold, Hướng Dương và Phúc Long đang dẫn đầu bảng, trong đó sẽ dễ dàng nhận thấy Phúc Long đang phát triển khá mạnh về số lượng điểm bán, tập trung ở những tòa nhà, trung tâm thương mại.

Còn cơ hội cho nhà đầu tư đến sau?

Dư địa để phát triển các cửa hàng kinh doanh trà sữa còn khá lớn. Theo số liệu thống kê, tỉ lệ khách hàng theo độ tuổi được phân chia khá đồng đều, đồng thời tỉ lệ dùng trà sữa khá đồng đều ở cả nam và nữ. Theo khảo sát của Lozi, công ty cung cấp ứng dụng chia sẻ trải nghiệm về địa điểm ăn uống, có đến hơn 53% người được hỏi thường uống trà sữa một tuần một lần. Từ đầu năm 2017 đến hết tháng 6, trung bình, mỗi tháng tại Hà Nội lại có 8 cửa hàng trà sữa của các thương hiệu được mở thêm.

Đặc biệt, 52% người khảo sát sẵn sàng trả hơn 40.000 đồng cho một ly trà sữa. Dường như trà sữa đang dần trở thành món thức uống thay thế phần nào thói quen dùng cà phê. Mặt khác trà sữa có vị ngọt khá phù hợp với sở thích của người miền Nam, lại dễ uống không kén người dùng. Một số cửa hàng kinh doanh trà sữa có thể kinh doanh thêm thức ăn nhanh khác.

“Thời điểm này vẫn có nhiều cơ hội tốt để vào thị trường nếu so sánh sự cạnh tranh ở thị trường Việt Nam với Thái Lan hay Singapore, trào lưu này vẫn còn mang đến nhiều thành công cho các nhà đầu tư”, ông Kengo Kurokawa, Giám đốc Điều hành Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, cho biết.

Với những hệ thống lớn, lợi nhuận tính trên mỗi ly là rất lớn trong khi mô hình kinh doanh nhỏ lẻ vừa phải cạnh tranh từ giá bán đến lượng khách ít nên lợi nhuận thấp hơn. “Tôi cho rằng với những thương hiệu lớn như Gong Cha, Koi Thé, mỗi ly trà giá 50.000-60.000 đồng có lợi nhuận khoảng 60-70%”, chị Sơn Anh Đài, chủ thương hiệu Like, ước tính.

Tuy nhiên, chi phí mặt bằng, quản lý, nguyên liệu nhập khẩu tăng lên sẽ làm giảm mức lợi nhuận này.  Hiện tại, các chuỗi trà sữa đều sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, riêng một số thương hiệu trà sữa Việt Nam sử dụng trà và sữa tùy theo cao cấp và thấp cấp. Đặc biệt, thực đơn mở rộng từ học sinh, sinh viên sang giới văn phòng, người lớn tuổi.

Tuy nhiên, trà sữa và các hạt trân châu không rõ nguồn gốc được sản xuất công nghiệp vẫn còn được bán tại nhiều điểm kinh doanh nhỏ lẻ để bán cho học sinh tại các trường học ở nông thôn. Theo tìm hiểu của PV, 1kg bột trà sữa công nghiệp có giá 40.000-70.000 đồng, số lượng ly pha được tùy thuộc vào độ đậm đặc, để bán tại thị trường nông thôn có giá 3.000-5.000 đồng/ly.

Mặc dù nhiều người nhận định trà sữa là loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định. Theo bà Đào Chi Anh, người sáng lập chuỗi The KAfé, sự thắng thua ở lĩnh vực này vẫn chưa phân rõ ràng. “Ai cũng nghĩ mở trà sữa chắc chắn có lãi, riêng tôi nghĩ sẽ sớm có một số doanh nghiệp ít tiền phải rút lui, thị trường chỉ còn lại một vài tên tuổi lớn”, bà Anh cho biết.

Thực tế, thị trường cũng từng có những trào lưu cho giới trẻ như trà chanh chém gió, mì cay, chè khúc bạch nhưng những xu hướng này không đủ mạnh để hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, trà sữa vốn dĩ được du nhập từ Đài Loan, vương quốc của hàng chục thương hiệu trà sữa khác nhau.

Tại TP.HCM có khoảng 20 hệ thống trà sữa của Việt Nam, Nhật, Đài Loan, Singapore và chưa tính đến hàng trăm cửa hàng trà sữa bán theo hình thức nhỏ lẻ. Tất cả đang cùng nhau giành lấy thị phần.

Theo thống kê của Q&Me, dẫn đầu về số lượng cửa hàng bán lẻ hiện nay là Ding Tea với 89 cửa hàng, riêng tại khu vực Hà Nội là 61 cửa hàng. Tại thị trường TP.HCM, Tiên Hưởng dẫn đầu về số lượng điểm bán là 33 cửa hàng. Cho đến hiện tại, các thương hiệu như Gong Cha cũng đã phát triển thêm thị trường Cần Thơ, Tiên Hưởng đã về đến thị trường Sóc Trăng. Điều này cho thấy, trước sức ép cạnh tranh thị trường ngày càng lớn, những thương hiệu này cũng đang dần bắt đầu khai thác thêm thị trường tiềm năng mới là các tỉnh thành nhỏ.

Tìm hiểu về trà sữa và giá bán trà sữa tại thủ phủ Đài Loan, hầu hết những thương hiệu có tiếng lâu đời như Gong Cha, Dailian - Cao Hùng, Ten Ren, Teashop... hầu hết giá bán chỉ tương đương 35.000-40.000 đồng/ly. Trong khi đó, giá bán phổ biến hiện nay trong khoảng 49.000-55.000 đồng chưa có topping.

Chị Lâm Yến Phương, một người làm nghiên cứu thị trường, cũng nhận định: “Ngày Gong Cha mới vào thị trường Việt Nam, cửa hàng đầu tiên đặt tại quận 1, tiện cho việc phát triển chuỗi và được đồng nhất về giá nên lấy chi phí của chuỗi đầu tiên để định giá bán cho các cửa hàng phát triển sau đó”.

Nhiều chuyên gia nhận định, với tốc độ tăng trưởng thị trường F&B vẫn ổn định ở mức khoảng 5,7% mỗi năm, do đó, mặc dù đang tăng trưởng nóng ở thời điểm hiện tại, nhưng thời gian tới  trà sữa vẫn có thể có thêm nhiều dư địa và cơ hội để tiếp tục tăng trưởng đến năm 2020.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích