Với nỗ lực của Nhật Bản, Mexico và các nước thành viên còn lại, các bên đã hoàn tất quá trình đàm phán và đạt được thoả thuận chung. Sau khi Mỹ tuyên bố rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có nhiều nghi ngờ TPP sẽ sụp đổ hoàn toàn
Sau khi Mỹ rút, Nhật Bản là một trong những nước mạnh mẽ ủng hộ ký kết TPP. |
Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, lễ ký kết chính thức CPTPP sẽ diễn ra vào khoảng 15-16h ngày 8/3 Santiago, Chile (theo giờ địa phương).
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), không còn Mỹ nhưng CPTPP cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của hiệp định TPP và cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết quan trọng liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông...
CPTPP khác gì TPP
CPTPP được ký kết tại Chile trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu gợi mở về khả năng tái đàm phán gia nhập hiệp định này. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết, phía Mỹ đã có những cuộc trao đổi cấp cao về việc tái tham gia CPTPP. Như vậy CPTPP sẽ được ông Trump cân nhắc dù vẫn coi trọng những thoả thuận thương mại song phương.
Không còn sự tham gia của Mỹ, hiệp định CPTPP vẫn được coi là hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao. Hiệp định này đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại ..., và xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo, CPTPP sẽ giúp tạo thêm việc làm tại Australia trong mọi lĩnh vực từ nông nghiệp, sản xuất, khai khoáng tới dịch vụ. Hay New Zealand tin rằng thỏa thuận mới sẽ thúc đẩy GDP nước này tăng 0,3%-1%, tương đương 1,2 tỷ USD và 4 tỷ USD một năm...
Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Thái cũng thừa nhận, trong bối cảnh không còn sự tham gia của Mỹ, quy mô kinh tế của hiệp định CPTPP không còn được như TPP trước đây, do đó lợi ích kinh tế mà nó mang lại cho các quốc gia thành viên không còn lớn như trước. Tuy nhiên, "TPP không có Mỹ" vẫn mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.
Sau khi được ký kết vào hôm nay, CPTPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất được 6 nước thành viên phê chuẩn. Với Việt Nam, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia thống nhất.
Hiệp định TPP ban đầu (có Mỹ) được coi là sáng kiến mang tính bước ngoặt cho việc thiết lập tiêu chuẩn với các quy định thương mại và đầu tư, trong bối cảnh Trung Quốc nổi lên là cường quốc trong khu vực.
Theo VNE