Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Cần bảo vệ hàng "Made in Vietnam" bằng mọi giá

Thứ tư, 03/10/2018, 09:02
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có những diễn biến rất phức tạp, có khả năng leo thang và biến đổi. Quan sát cuộc chiến này giúp chúng ta có thêm tư liệu để đưa ra biện pháp ứng phó những diễn biến chiến tranh thương mại quy mô lớn ở ở cấp độ toàn cầu hoá.

Luật sư, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt chia sẻ thêm về diễn biến, nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Luật sư, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.

Thưa ông, nguyên nhân cuộc chiến thương mại Mỹ Trung được nhắc nhiều, song nguyên nhân chính vẫn là Mỹ không hài lòng với hàng hóa Trung Quốc làm nhái dựa trên những sản phẩm sở hữu trí tuệ của Mỹ hoặc hàng nhập từ Mỹ?

Cái mà Tổng thống Trump đang nói là nói về sự ăn cắp các tài sản có chất lượng trí tuệ của người Mỹ. Việc lấy trộm các sáng chế, các mẫu hàng hóa là một vấn đề nhức nhối thường xuyên trong đấu tranh thương mại giữa phương Tây và Trung Quốc.

Trong tất cả các buôn bán thì giá cả là yếu tố cạnh tranh số một, tính thêm tiền công nghệ thì lập tức giá tăng vọt lên, không còn sức hấp dẫn thương mại nữa. Cho nên đây là các động cơ, động lực nhất định khuyến khích vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ ở các nước đang phát triển.

Vi phạm các quyền sở hữu trí tuệ là một vấn đề có thật và rất nghiêm trọng trong giao lưu thương mại toàn cầu.

Nhiều người nói chúng ta hưởng lợi khi thay Trung Quốc xuất hàng vào Mỹ. Tuy nhiên, có người nói ảnh hưởng khá tiêu cực về cuộc chiến này?

Không nên nói chúng ta có lợi ích trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong xung đột giữa người này và người kia, tìm kiếm lợi ích là cách không chính đáng, không được hoan nghênh ở bất kỳ mức độ nào, nền văn hóa nào.

Trên báo chí chúng ta nói về chuyện tìm cách tránh các thất thiệt do xung đột thương mại gây ra thì đúng. Chúng ta bảo vệ quyền lợi của mình để tránh các thất thiệt bằng cách nghiên cứu nó.

Cái gì mà Trung Quốc không bán được ở Mỹ nữa thì liệu họ có bán ở Việt Nam không? Quá trình thương mại quốc tế vận hành theo quy luật bình thông nhau, nước ở chỗ có thế năng cao sẽ tràn ra chỗ có thế năng thấp.

Nhưng sức mua của người Việt Nam chắc chắn là không bằng người Mỹ, vì vậy lo ngại hàng chuẩn như hàng Trung Quốc xuất vào Mỹ sẽ không đến Việt Nam mà chỉ có hàng rẻ tiền của Trung Quốc vào Việt Nam?

Không hẳn vậy, người Hà Nội cách đây 30 năm chỉ mua được hàng Quảng Tây thôi, nhưng 20 năm trở lại thì hàng Quảng Đông đã bắt đầu đến Hà Nội, 10 năm gần đây thì hàng Thượng Hải đã đến Hà Nội. Hàng bán ở Hà Nội và ở Sài Gòn cũng có sự khác nhau.

Hàng hóa Trung Quốc không bán sang Mỹ không phải chỉ đến Việt Nam, nó còn có thể được bán sang Hồng Kông, Nhật Bản, EU… Về nguyên tắc hàng hóa không bán được sang Mỹ thì nó có thể tràn sang chỗ có thể tràn sang được, trong đó có Việt Nam.

Có những thứ hàng hóa tràn đến Việt Nam có thể làm ngăn cản việc sản xuất hàng hóa của Việt Nam, vì giá thành sản xuất của Việt Nam cao hơn.

Hàng hóa cùng chất lượng mà rẻ hơn thì nó sẽ bóp chết hàng hóa cùng chất lượng và chủng loại nhưng giá thành sản xuất cao hơn. Chắc chắn là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ảnh hưởng đến nền sản xuất Việt Nam, ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam.

Theo ông phải làm thế nào để giảm ảnh hưởng hóa của họ sang Việt Nam?

Chúng ta cũng có thể có ảnh hưởng ngược trở lại bởi tất cả các hiệp định thương mại song phương đều có các hàng rào kỹ thuật để cân bằng lợi ích. Quy luật của thị trường tư do chính là họ có quyền bán hàng sang mình, người Trung Quốc cũng có các quyền như vậy.

Tuy nhiên, phải đặt vấn đề là chúng ta có đủ khả năng, có đủ uy lực để đánh thuế như ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc không? Điều ấy chắc là khó.

Trong cuộc chơi này chúng ta phải khôn ngoan, việc tìm kiếm các lợi ích cụ thể trong điều kiện toàn cầu hóa đòi hỏi phải có các cơ quan điều tra thật sự chuyên nghiệp.

Nhiều người nói đến hiện tượng thời gian qua sản phẩm Trung Quốc đội lốt "Made in Vietnam" để xuất sang Mỹ. Đây là một mối lo lớn, ông bình luận gì về vấn đề này?

Tất cả những kẻ làm ăn không chuyên nghiệp đều tưởng rằng có thể làm như thế, cái lợi trước mắt của các nhà đầu tư Trung Quốc là bỏ vốn vào đây để sản xuất hàng ở Việt Nam và xuất sang Mỹ.

Không làm thế được, toàn cầu hóa là sử dụng của nhau dựa trên sự tôn trọng các quyền sở hữu trí tuệ. Người Mỹ không ngăn cấm hàng hóa Trung Quốc nhưng phải rõ ràng về mặt sở hữu trí tuệ thì mới xác lập được sự cân bằng thương mại.

Trung Quốc có định nghĩa nước Mỹ là nước phát triển lớn nhất và Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất.

Khi tự nhận mình là nước đang phát triển có nghĩa là anh đi sau và quyền đầu tiên anh bị hạn chế là quyền sử dụng các tài sản sở hữu trí tuệ, anh phải trả tiền cho kẻ đi trước, không thể xâm phạm các quyền của kẻ đi trước.

Tất cả các hãng dược lớn nhất ở trên thế giới này đều là của các nước phương Tây, các nước đang phát triển muốn sản xuất loại thuốc ấy đều phải mua bản quyền.

Việc mua bản quyền làm cho các nước đi sau mất đi ưu thế của một kẻ có nguồn lao động giá rẻ. Dù gì thì anh cũng phải trả tiền cho người biết trước, phát hiện ra trước. Đấy chính là vấn đề gay go nhất của tự do thương mại trên toàn thế giới hiện nay.

Nếu để người Trung Quốc gắn mác "Made in Vietnam" vào hàng hóa của họ thì chúng ta có thể bị Mỹ kiện, thậm chí Mỹ có thể đối xử với Việt Nam y như họ đã làm với Trung Quốc. Theo ông nguy cơ ấy có lớn không?

Họ đã làm đối với nhôm và thép Việt Nam rồi. Chúng ta là nền kinh tế nhỏ nên phải suy tính, tỉnh táo trong điều hành chính sách, ngăn ngừa nguy cơ. Cần bảo vệ hàng Made in Vietnam bằng mọi giá, chống kẻ cơ hội.

Theo dự đoán của ông Mỹ sẽ tiếp tục áp các chính sách thuế đối với các hàng hóa công nghệ của Trung Quốc, thậm chí có thể trừng phạt các hàng hóa dịch vụ như tài chính ngân hàng, đặc biệt là công nghệ?

Tôi chưa biết và chưa nói được, đôi khi nó lệ thuộc vào tâm lý của Tổng thống Trump và ông Tập Cận Bình. Nếu cuộc xung đột này chỉ dừng ở xung đột thương mại, xác lập lại sự cân bằng thương mại thuần túy thì có mấy trăm tỷ đô la nữa ông Trump phạt nốt thì thôi.

Nhưng đấy có phải là tất cả nội dung của sự va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc không? Tôi nghĩ không!

Sự cấm vận kỹ thuật và công nghệ rất có thể trở thành nội dung mới, mà Trung Quốc đang phát triển rất cần công nghệ. Nếu để dẫn đến trạng thái cực đoan hơn là trừng phạt hay cấm vận công nghệ thì nền sản xuất Trung Quốc phải coi chừng.

Về thương mại, anh không bán hàng được ở chỗ này thì anh mang bán chỗ khác hoặc sản xuất bớt đi, nhưng không có công nghệ sản xuất được nữa là chết. Ví dụ người ta nói 70% con chip sử dụng trong các thiết bị thế hệ công nghệ mới ở Trung Quốc phải mua của Mỹ.

Cấm vận là cách mà ngay cả khi anh mua một cách chính đáng họ cũng không bán. Cấm ăn cắp công nghệ đã đành, nhưng ngay cả việc mua đàng hoàng cũng không bán thì hết sức nguy hiểm.

Không phải đến khi có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại thì nền kinh tế Trung Quốc mới xuất hiện yếu kém, mà các doanh nghiệp của Trung Quốc đã phá sản khá nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cũ?

Sự bộc lộ các yếu kém kinh tế là một ưu thế của Trung Quốc vì nó đang phát triển. Nếu không có gì yếu kém thì có nghĩa là không có kinh tế. Tất cả các nền kinh tế đều có các điểm yếu kém, kể cả Mỹ.

Nếu kinh tế Mỹ không yếu kém thì tại sao nước Mỹ lại mất đi công bằng thương mại thông thường đối với tất cả các quốc gia họ quan hệ, tại sao Tổng thống Trump lại buộc phải xóa bỏ những cam kết cũ trong Hiệp định thương mại Bắc Mỹ?

Bởi vì nước Mỹ đã bất cẩn trong các cam kết được xây dựng vào thời điểm đầu những năm 1990. Sau một thời gian họ nhận thấy rằng trong khi ký các cam kết của đầu những năm 1990 mình đã "hố" vì không hình dung ra tương lai phát triển của các quan hệ kinh tế nên họ muốn sửa.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích