|
Một nhà máy ở Ấn Độ (Ảnh minh họa: Bloomberg) |
Theo CNBC, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa rõ hồi kết, các nền kinh tế mạnh hàng đầu châu Á Thái Bình Dương và là đồng minh thân thiết với Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đài Loan dường như đã đồng loạt chuyển hướng sang hợp tác với Ấn Độ, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Giới quan sát cho rằng các nền kinh tế trên đang cảnh giác với nguy cơ có thể bị tổn hại nếu liên kết quá chặt chẽ với Bắc Kinh, trong bối cảnh xuất khẩu của nước này dường như có dấu hiệu dễ bị tổn thương trước cuộc chiến thương mại. Trên thực tế, nhiều công ty châu Á chọn Trung Quốc là nơi đặt nhà máy lắp đặt sản phẩm, đã bắt đầu có những quan ngại nhất định rằng chuỗi sản xuất và cung ứng của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các đòn thương mại mà Washington nhằm vào Trung Quốc.
Chính vì vậy, các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Hàn Quốc và Australia đã bắt đầu chú ý nhiều hơn tới việc tăng cường hoạt động giao thương với Ấn Độ, một đối tác an ninh và kinh tế được các nước đánh giá là có trách nhiệm.
Chính phủ Australia đã công bố “Chiến lược kinh tế Ấn Độ” hồi tháng 7 vừa qua. Theo kế hoạch đầy tham vọng này, Australia kỳ vọng sẽ biến Ấn Độ trở thành một trong nhóm 3 thị trường xuất khẩu hàng đầu và điểm đến lớn thứ 3 châu Á về đầu tư nước ngoài.
Hồi cuối năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in giới thiệu “Chính sách hướng Nam”, tập trung vào thiết lập quan hệ với khu vực Đông Nam Á. Ấn Độ, tuy không nằm trong khu vực này, nhưng vẫn được Seoul đánh giá là “đối tác chủ chốt cho các hoạt động hợp tác” trong tương lai.
|
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh tại New Delhi tháng 1/2014 (Ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người dự kiến sẽ thăm New Delhi tuần tới, cam kết sẽ đưa Ấn Độ trở thành trụ cột trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tokyo. Đây là kế hoạch nhằm tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng và phát triển tại các thị trường mới nổi ở châu Á và châu Phi. Ngoài ra, Nhật Bản và Ấn Độ còn đẩy mạnh hoạt động hợp tác về an ninh và quốc phòng.
Các công ty lớn của Đài Loan như Foxconn, một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, đã mở rộng đầu tư sang Ấn Độ, như một phần trong kế hoạch hướng về phía Nam của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn.
Giới quan sát đánh giá Ấn Độ đang có những điều kiện thuận lợi để thu hút các đối tác hợp tác với New Delhi. Chuyên gia Dhruva Jaishankar của viện Brookings Ấn Độ cho rằng việc Trung Quốc sử dụng “cơ bắp” kinh tế vì mục đích chính trị là một trong những yếu tố quan trọng khiến các quốc gia sẽ hướng về Ấn Độ nhiều hơn.
Ông Jaishankar lấy ví dụ về việc Bắc Kinh ngừng xuất khẩu đất hiếm cho Nhật Bản vì vụ tranh chấp lãnh thổ năm 2010, hay vụ Trung Quốc trừng phạt các công ty Hàn Quốc do mâu thuẫn về hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD do Mỹ lắp tại đây. Chính vì vậy, Ấn Độ, một nước đi theo con đường có trách nhiệm hơn về an ninh và kinh tế, được đánh giá là sẽ mang lại lợi ích lâu dài và ổn định cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi đã chủ động hơn trong việc khẳng định vị thế của mình. Chuyên gia Harsh Pant thuộc tổ chức Oserver Research Foundation (Ấn Độ) nói rằng nếu như trước đây New Delhi có xu hướng “e dè” trong việc thể hiện mình có một vai trò quan trọng trong tình hình khu vực, thì Ấn Độ hiện tại đã mạnh mẽ, tự tin hơn trong việc khẳng định họ là một trong những “người chơi” toàn cầu.
Sau cùng, giới chuyên gia cho rằng hiện quả bóng đã nằm trong chân Ấn Độ và việc họ có thể tận dụng tối đa mọi lợi thế để “ghi bàn” hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào New Delhi.
Theo Dân Trí