Là nơi đón nhận sự bùng nổ của Internet khá muộn, nhưng người tiêu dùng Trung Quốc lại thích ứng với "cuộc sống trực tuyến" nhanh và sớm thuần thục hơn so với những quốc gia khác. Doanh số bán hàng thương mại điện tử của nước này đã vượt qua con số 1.000 tỷ USD năm ngoái, cao nhất thế giới. Tại đây, các cửa hiệu tạp hóa có thể gửi hàng tới nhà của khách trong vòng một giờ. Còn trên phố, những người bán hàng rong thích thanh toán qua điện thoại di động hơn tiền mặt.
So với Mỹ, Trung Quốc có ít trung tâm mua sắm và cửa hàng hơn. Nhưng ngay cả các trung tâm và cửa hàng giờ đây cũng đang nhận thấy sự giảm doanh số một cách đáng kể, khi người tiêu dùng thích mua hàng trực tuyến thay vì tới tận nơi. Một dấu hiệu rõ ràng về sự thống trị của thương mại điện tử trên lĩnh vực bán lẻ truyền thống là việc năm ngoái tập đoàn Alibaba đã trả khoảng 6 tỷ USD để kiểm soát chuỗi siêu thị hàng đầu Trung Quốc, cùng một trong những chuỗi cửa hàng nhượng quyền lớn.
Mục tiêu của hành động này, theo nhà phân tích Internet Vey-Sern Ling, là để "kiểm soát ngày càng nhiều dữ liệu khách hàng", cho dù họ đang mua sắm trong các cửa hàng hay trên mạng."Đi sâu vào các khu vực ngoại tuyến cho phép Alibaba mở rộng thị trường của mình, vượt quá con số 800 triệu người dùng Internet ở Trung Quốc hiện nay", Ling nói.
Được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng đang khao khát cái mới và khả năng thích ứng nhanh chóng, Alibaba, Tencent cùng một loạt các công ty khởi nghiệp được tài trợ khác đang tích cực triển khai áp dụng các công nghệ mới một cách rộng rãi hơn trong lĩnh vực bán lẻ. Dù cho đó có thể là các công nghệ vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Dưới đây là những sản phẩm và giải pháp công nghệ đáng chú ý.
Cười để thanh toán
Một phụ nữ đang trả tiền hóa đơn bữa ăn bằng cách cười trước camera. Ảnh: Engadget. |
Alipay, công ty chuyên về lĩnh vực kinh doanh mua sắm của Alibaba tại Trung Quốc, đã tung ra hệ thống thanh toán đầu tiên sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Nếu ghé thăm một trong những nhà hàng KPRO của KFC tại Hàng Châu, người dùng có thể thanh toán hóa đơn bằng cách mỉm cười trước một chiếc camera. Dù vẫn cần phải xác minh việc mua hàng trên điện thoại, giờ đây người dùng không phải bấm số hoặc đưa điện thoại tới đầu đọc NFC như trước. Hệ thống có tên Smile to Pay này được tạo ra để hướng tới những người tiêu dùng trẻ tuổi, có thu nhập cao. Cửa hàng sẽ lưu được dữ liệu về khuôn mặt của khách hàng thông qua việc quét bằng camera 3D. Theo báo cáo, công nghệ này đã đủ tốt để xác định chính xác mọi người ngay cả khi họ ngụy trang bằng mỹ phẩm trang điểm hoặc tóc giả.
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong việc triển khai hệ thống nhận dạng khuôn mặt và các hệ thống sinh trắc học khác. "Vấn đề của họ bây giờ chỉ là làm sao phát triển công nghệ đến mức không còn tỷ lệ lỗi", nhà phân tích Ling cho biết. "Các quốc gia khác sẽ gặp phải nhiều trở ngại hơn do các mối quan tâm về quyền riêng tư của dữ liệu".
Quán ăn tự động
Nhà hàng bán đồ tự động Wufangzhai ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Wufangzhai là một chuỗi nhà hàng ở tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng với bánh bao gạo nếp. Trước đây, nhà hàng luôn gặp khó khăn trong khâu phục vụ bởi quá đông khách. Kể từ đầu năm, 8 cửa hàng ở Hàng Châu đã trang bị hệ thống phục vụ mới tiên tiến. Đây là công nghệ do Alibaba hỗ trợ, cho phép khách hàng đặt đồ ăn qua điện thoại di động hoặc màn hình ở lối vào. Khi thức ăn đã chuẩn bị xong, người dùng sẽ nhận được thông báo trên điện thoại di động. Vị khách sau đó có thể tới lấy đồ của mình tại một chiếc tủ nối thông với nhà bếp. Với mã khóa riêng trên điện thoại, tủ sẽ tự động mở ra khi khách tới gần.
Đồ uống tại đây cũng được phân phối từ các máy bán hàng thông minh. Nó trông giống một chiếc tủ lạnh, có thể mở bằng cách quét mã QR trên cửa với smartphone. Sau khi khách hàng đóng cửa tủ, ứng dụng sẽ tự động tính phí đồ uống mà vị khách lấy ra, bằng cách đọc thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) gắn trên thân chai nước.
Dẫu vậy, hệ thống này vẫn chưa thực sự hoàn hảo. Nhiều trường hợp nhầm lẫn khi thanh toán đã xảy ra. Tuy nhiên, Wufangzhai cho biết doanh thu trong nửa đầu năm 2018 đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các chi phí nhân viên lại giảm.
Cửa hàng tiện lợi "đóng hộp"
Một cửa hàng BingoBox tại Thượng Hải. Ảnh: Time Out Shanghai. |
Một công ty khởi nghiệp tại Quảng Châu có tên BingoBox đã xây dựng mạng lưới 300 cửa hàng tiện lợi hoàn toàn tự động. Chúng có thiết kế giống các hộp kính, với diện tích bằng khoảng nửa các cửa hàng như 7-Eleven. Bên trong là đa dạng hàng hóa, được dán nhãn bằng thẻ RFID. Người mua có thể truy cập bằng cách quét mã QR ở mặt trước bằng ứng dụng WeChat. Sau khi chọn đồ, khách đặt chúng trên quầy để hệ thống đọc thẻ, xác định số tiền cần trả. Việc thanh toán sau đó được thực hiện qua điện thoại di động.
Một máy quét gần cửa xác minh rằng vị khách hàng đang rời đi chỉ với số hàng hóa mà người đó đã thanh toán. Kể từ khi thành lập vào năm 2016, BingoBox đã huy động được khoảng 100 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Thử đồ trước khi mua
Một phụ nữ đang thử đồ trước "gương ma thuật". Ảnh: Alizila. |
Alibaba đã trang bị tại một cửa hàng bán các sản phẩm làm đẹp ở Hàng Châu những chiếc gương "ma thuật". Chúng sử dụng công nghệ thực tế tăng cường (AR) để cho người dùng có thể thử các sắc thái khác nhau của son môi hoặc chì kẻ mắt. Gương cũng hiển thị các thông tin về sản phẩm đề xuất cho khách hàng, dựa trên chỉ số về độ ẩm, sắc tố da và nếp nhăn thu nhận được.
Nếu khách hàng chọn một chai kem dưỡng ẩm từ một trong các kệ hàng thông minh, thông tin về sản phẩm sẽ tự động xuất hiện trên màn hình liền kề.
Sự lên ngôi của những người có ảnh hưởng (KOL)
KOL Zhang Dayi tự thiết kế và bán ra các sản phẩm của chính mình trên mạng Internet. |
Kylie Jenner, "nữ hoàng Instagram", nổi tiếng thế giới vì biết tận dụng sức ảnh hưởng trên mạng xã hội của mình để kinh doanh sản phẩm làm đẹp. Nhưng ít ai biết rằng ở Trung Quốc, có hàng nghìn người như Kylie, thậm chí sáng tạo hơn khi biết tận dụng hình ảnh của mình để bán đủ các mặt hàng như rượu vang hay thậm chí cả ôtô cho người hâm mộ.
Họ thực hiện điều này thông qua vô số các ứng dụng phát sóng trực tiếp, được đánh giá là đang tiếp cận tới 398 triệu người, theo công ty nghiên cứu IiMedia. Một trong số những nền tảng có số lượng người theo dõi lớn nhất là Little Red Book, một trang thương mại điện tử kiêm truyền thông xã hội có hơn 100 triệu người dùng và Meipai, nền tảng chia sẻ video trực tuyến, được phát triển từ ứng dụng chụp ảnh tự sướng Meitu, với 152 triệu người dùng. Nhận thấy sự thành công của thị trường này, đầu năm 2016, chợ điện tử Taobao của Alibaba đã thêm tính năng phát sóng trực tiếp cho các thương gia của mình.
Một trong những người có ảnh hưởng nhiều nhất trên mạng Internet ở Trung Quốc là người mẫu Zhang Dayi. Cô đã bán được 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,9 triệu USD) tiền hàng trong một chương trình phát sóng trực tiếp kéo dài hai giờ năm 2016. Không giống như nhiều KOL của Mỹ, được trả tiền để ủng hộ các thương hiệu sẵn có, Zhang và nhiều người khác ở Trung Quốc tự thiết kế và bán ra các sản phẩm của riêng mình. Các sản phẩm này được sáng tạo dựa trên tính cách và lối sống của chính họ. Theo CBNData ước tính, giá trị của thị trường này rơi vào khoảng 17 tỷ USD trong năm ngoái.
Máy bán xe hơi tự động
Máy bán xe hơi tự động ở Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Alibaba. |
Việc mua sắm ôtô tại Quảng Châu, thành phố lớn thứ ba của Trung Quốc, đã trở nên dễ dàng hơn từ tháng 3 năm nay. Thay vì phải đi tới các đại lý để xem những chiếc xe mẫu, giờ đây người dùng có thể lên lịch qua mạng để tới lái thử xe. Sau đó, họ có thể tới nhận xe tại địa điểm đặt máy bán ô tô tự động, được xây dựng bởi Alibaba.
Mỗi "máy" chứa được 30 chiếc xe hơi, bao gồm các mẫu xe của nhiều hãng từ BMW, Ford tới Volvo. Chi phí một lần lái xe mẫu chưa tới 50 USD cho ba ngày, nhưng số tiền đặt cọc có thể cao gấp nhiều lần. Alibaba cho biết "hàng chục" máy bán xe hơi tự động đang được lên kế hoạch để triển khai khắp Trung Quốc.
Nhà máy gia công cũng xây dựng thương hiệu trực tuyến
Các sản phẩm được sản xuất bởi đơn vị đang gia công cho các thương hiệu lớn trên ứng dụng Yanxuan. Ảnh: Luxury Daily. |
Trung Quốc có các quy định nghiêm ngặt về hàng giả, hàng nhái đặc biệt ở lĩnh vực thời trang như túi, đồng hồ, giày da... Tuy nhiên, nhu cầu về các sản phẩm cao cấp nhưng giá rẻ luôn tồn tại. Bằng chứng là sự phổ biến của một ứng dụng mua sắm có tên Yanxuan. Với ứng dụng này, người dùng có thể xem và chọn mua các mặt hàng đến từ các nhà máy, công xưởng địa phương, nơi đang sản xuất và gia công cho các thương hiệu quốc tế. Một đôi dép được sản xuất bởi "một nhà cung cấp cho Birkenstock" có giá khoảng 8,7 USD, trong khi sản phẩm cùng kiểu được bán với giá khoảng 100 USD trên trang web của thương hiệu Đức.
Được khởi chạy vào năm 2016 và là tài sản của NetEase, ứng dụng này đã bị các thương hiệu nước ngoài phản đối mạnh mẽ. Hiệp hội may mặc và giày dép Mỹ cho biết: "Bất kỳ tuyên bố nào nói rằng sản phẩm được 'sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất' với các thương hiệu lớn khác chỉ là lời bao biện cho sự dối trá".
Đáp lại, người phát ngôn của NetEase nói: "Lý do chúng tôi chỉ định những thương hiệu lớn mà người bán cung cấp là để cho khách hàng biết rằng các sản phẩm được bán đến từ các nhà sản xuất nổi bật".
Theo VNE