Phủ nhận là taxi, Grab sẽ làm khó mình trong thương vụ điều tra độc quyền?

Thứ ba, 13/11/2018, 08:54
Việc Grab liên tục khẳng định mình không phải là một hãng taxi liệu có phải là sự bất lợi trong quá trình điều tra thương vụ mua lại Uber? Bởi nếu không phải là một hãng kinh doanh vận tải thì Grab có khả năng sẽ ít đối thủ cạnh tranh hơn...


Uber đã bán lại toàn bộ hoạt động tại thị trường Đông Nam Á cho Grab để đổi lại 27,5% cổ phần trong Grab.

Cách đây gần 6 tháng (ngày 18/5), Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã quyết định điều tra chính thức vụ việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam.

Theo đó, thời hạn điều tra chính thức thương vụ này là 180 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra chính thức; trường hợp cần thiết, có thể gia hạn không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, khoảng cuối tháng 11 sẽ kết thúc điều tra chính thức.

Theo quy định, sau khi kết thúc điều tra chính thức, Cục sẽ chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh tiến hành xử lý theo quy định.

Trong vụ việc này, nhiều chuyên gia nhận định, vấn đề khó khăn nhất trong quá trình điều tra thương vụ này chính là việc định danh loại hình như Grab, Uber. Khi cơ quan chức năng chưa xác định rõ Uber, Grab là kinh doanh taxi hay kinh doanh dịch vụ công nghệ thì rất khó khăn trong việc xác định thị phần.

Nói với PV, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng thừa nhận việc định danh này cũng là một trong những yếu tố khó khăn trong quá trình điều tra.

“Tuy nhiên theo quy định thì phải xác định cả thị trường liên quan, sau đó tính tiếp thị phần. Chúng tôi đã và sẽ tiến hành theo đúng quy định. Bây giờ vẫn đang trong quá trình tiến hành điều tra, thu thập, do vậy tôi chưa thể đưa ra bất kỳ nhận định gì. Tuy nhiên tôi có thể chắc chắn việc điều tra sẽ được diễn ra cẩn trọng, khách quan, công bằng với doanh nghiệp”, ông Tân nói.

Liên quan đến việc định danh, trong vụ việc liên quan đến vụ khởi kiện của Vinasun đối với Grab, Grab khẳng định mình không kinh doanh vận tải, nên không cạnh tranh với Vinasun.

Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm cho rằng, Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp công nghệ mà thực chất là công ty kinh doanh vận tải taxi nên đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun.

Ngay tại phiên toà, đại diện Grab đã lên tiếng cho rằng “rất thất vọng với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, chúng tôi tin rằng phía cơ quan tư pháp không có thẩm quyền xác định bản chất kinh doanh của một doanh nghiệp, nhưng hôm nay tại phiên tòa đại diện Viện Kiểm sát đã cho rằng hoạt động của grab là hoạt động kinh doanh taxi…”.

Trong văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ hôm 25/10, Grab cũng đã bày tỏ quan ngại về Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô.

Theo đó, Grab nói cảm thấy "hết sức bất ngờ và quan ngại" với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình lên Chính phủ. Cụ thể đó là đề xuất ô tô từ 9 chỗ trở xuống không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử. Đồng thời, tất cả đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Grab cho rằng phải thành hãng taxi là “bước lùi của Cách mạng 4.0”.

Như vậy, có thể thấy Grab liên tục khẳng định mình không phải là một hãng taxi. Vậy liệu đây có phải là sự bất lợi trong quá trình điều tra thương vụ mua lại Uber? Bởi nếu không phải là một hãng kinh doanh vận tải thì Grab có khả năng sẽ ít đối thủ cạnh tranh hơn, và nếu thị phần trên 50% thì họ sẽ vi phạm Luật cạnh tranh.

Trong một báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cuối 2017, tại TP.HCM, Grab có khoảng 18.110 xe, Uber là 3.614 xe. Ở Hà Nội, số lượng xe của Grab gần 11.500 xe và Uber gần 2.400 xe, trong khi taxi tại Hà Nội trên 12.000 xe.

Trường hợp Uber, Grab là dịch vụ kinh doanh theo hình thức kết nối giữa người sử dụng và xe. Dù còn cả chục doanh nghiệp khác kinh doanh theo hình thức tương tự nhưng theo quan sát, thị phần của Grab và Uber vẫn chiếm rất lớn, các ứng dụng khác rất ít khách hàng.

Dẫn theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam, trường hợp thị phần kết hợp của các bên chiếm từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan mà không thông báo cho cơ quan cạnh tranh trước khi thực hiện, doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế sẽ bị phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Nếu vượt quá 50% thì giao dịch có khả năng bị cấm thực hiện.

Trước đó, vào hồi tháng 3/2018, Uber đã nhượng lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab để đổi lấy 27,5% cổ phần của đối thủ. Ngay sau khi thương vụ được tiến hành, giới chức của một số nước vào cuộc điều tra.

Ngày 24/9 vừa qua, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Singapore (CCCS) đã quyết định xử phạt Grab và Uber với tổng số tiền 9,5 triệu USD; tương đương 13 triệu đô la Singapore (SGD) vì thương vụ sáp nhập nói trên.

Mới đây, Philippines trở thành quốc gia thứ hai sau Singapore đưa ra án phạt cho Uber và Grab với lý do hai công ty đã hoàn tất sáp nhập khi cơ quan quản lý của nước này vẫn chưa kết thúc quá trình đánh giá vụ việc.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn