Đại biểu Quốc hội tranh luận chuyện chật vật thu thuế Uber, Grab

Thứ hai, 12/11/2018, 15:14
Quá trình học hỏi kinh nghiệm, các nước đều đưa ra lời khuyên nên có phương thức thoả thuận giữa Nhà nước và doanh nghiệp công nghệ trong thu thuế.

Thảo luận ở tổ về dự Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng 12/11, ông Huỳnh Thành Chung - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Bình Phước đề cập chuyện ngành thuế chật vật trong thu thuế các công ty đa quốc gia như Uber, Grab... khi họ kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ông Chung, phải có công thức tính thuế để cùng trên một sản phẩm dịch vụ xác định được thuế cấu thành trong nhóm sản phẩm đó và đưa ra mức tính thuế phù hợp. Cơ quan thuế cũng có điều kiện giám sát và thực hiện thu thuế, đồng thời các cá nhân, pháp nhân đăng ký với hãng cũng trở thành một doanh nghiệp thực sự, nghĩa là phải đăng ký là doanh nghiệp để cùng khai báo thuế.

"Như vậy tạo ra sự bình đẳng với các đối tượng kinh doanh ngành nghề tương tự và chống thất thu thuế, bên cạnh đó cũng khuyến khích được các giải pháp công nghệ ứng dụng phục vụ cuộc sống", ông nói.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, "đây là vấn đề nóng hổi và rất khó". Ông Dũng cho biết, hiện các nước cũng đang chưa rõ về loại hình này.

"Nước thì phạt, nước thì cấm, nước thì đánh thuế kiểu này, nước đánh thuế kiểu kia. Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không khuyến khích ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống", Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận ở tổ sáng 12/11.

Ông cho hay, dựa trên thực tế không quản và không đánh thuế được loại hình này, các nước đưa ra lời khuyên Việt Nam nên có phương thức thoả thuận giữa nhà nước và doanh nghiệp công nghệ trong vấn đề thu thuế. Theo đó, ấn định doanh nghiệp phải đóng là bao nhiêu một cách linh hoạt. Như thế, sẽ có tác dụng hơn trong việc khuyến khích doanh nghiệp hoạt động.

"Ngay như trong vụ tranh chấp giữa Grab và Vinasun, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình có hỏi ý kiến tôi và tôi cho rằng nên tạm dừng vụ kiện lại, phải nghiên cứu thêm. Tôi thiên về hướng hoà giải giữa hai bên bởi kiện nhau cũng không có pháp lý để xử", vị Bộ trưởng chia sẻ thêm và cũng nhấn mạnh ông nghiêng về việc khuyến khích nguồn thu thay vì quản lý, tận thu.

Ở góc độ người quản lý trực tiếp ngành thuế, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, hiện rất khó nhận dạng các phương thức kinh doanh trong bối cảnh kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử... để thu thuế bởi quy định pháp luật chưa có, chưa điều chỉnh hành vi này.

Ông cho biết, vừa qua cơ quan thuế đã rất cố gắng rà soát hàng trăm nghìn tài khoản kinh doanh trên mạng như Facebook, Google... và vận động, gửi thư thuyết phục họ nộp thuế. Pháp luật không quy định nhưng thực tiễn vẫn phải xử lý.

"Nói quản lý thuế nhưng cũng phải nhìn thực trạng văn hoá kinh doanh của ta rất có vấn đề. Các nước nộp thuế là vinh quang, nghĩa vụ cao cả, ta có phải thế không và được mấy người tự giác đâu. Cho nên muốn quản lý được thì các khâu khác phải kết hợp đồng bộ, gắn với tiêu chí phân loại rủi ro", ông Dũng nói thêm.

Vì thế, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu nhà mạng phải đặt máy chủ tại Việt Nam và phải phối hợp xử lý ngay khi có vấn đề. Hay cơ quan quản lý tài chính cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cung cấp thông tin vì hiện thanh toán trong, ngoài nước đều qua cổng thanh toán của cơ quan quản lý tiền tệ.

Chẳng hạn dự thảo Luật quản lý thuế sửa đổi quy định ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế khi có yêu cầu, ông Dũng nói, đề xuất này vấp phải sự phản ứng từ phía ngân hàng. Song "thực tế không thể không làm vì nếu không kiểm soát được thu nhập, dòng tiền, chưa kể kinh tế hiện nay vẫn là nền kinh tế tiền mặt... thì khó thu được thuế".

Đề nghị quy định cán bộ thuế không được hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết có hiện tượng trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng làm ảnh hưởng đến ngân sách và có chuyện cán bộ thuế tư vấn hướng dẫn doanh nghiệp trốn thuế. Theo luật sư Nghĩa, việc này tồn tại cả chục năm nay. Vừa rồi có doanh nghiệp gửi thư cho Tổng bí thư, sau đó Thủ tướng phải chỉ đạo xem xét tình trạng nhũng nhiễu để doanh nghiệp phải chung chi, lót tay ở một số ngành trong đó có ngành thuế.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhắc lại chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng từ kỳ họp thứ 4, chuyện thất thu ngân sách có nguồn gốc từ thuế hay không. Bộ trưởng Tài chính khi đó đã thừa nhận không loại trừ việc cán bộ thuế thoả hiệp với doanh nghiệp để xác định không đúng tiền thuế, trốn thuế.

"Trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân thành phố, khi báo cáo lại nội dung này, Cục trưởng Cục thuế thành phố cũng thừa nhận không loại trừ trong ngành có cán bộ tiếp tay, góp phần làm thất thoát nguồn thu", ông Khuê cho hay.

Ở góc độ làm luật, ông Trương Trọng Nghĩa đề nghị, dự luật Quản lý thuế sửa đổi lần này bổ sung thêm nội dung "quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế" để đáp ứng tình hình thực tiễn.

"Cán bộ ngành thuế phải có nghĩa vụ tận tâm hướng dẫn doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ, nhanh chóng, tiện lợi", ông Nghĩa nói và cho hay, hiện rất nhiều doanh nghiệp mong muốn điều này, nhất là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích