Dưới góc độ chuyên gia, bà đánh giá như thế nào về việc vay và sử dụng vốn Trung Quốc trong thời gian qua?
Hiện nay, cái mà Việt Nam thiếu không phải là vốn, trong thời gian vừa qua rất nhiều nhưng chúng ta sử dụng rất kém, những cái đau của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thế thôi mà gần lên đến 900 triệu USD. Chất lượng cũng đặt ra câu hỏi, nhiều người còn nói đùa có làm xong cũng không dám đi.
Chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Ban Nghiên cứu của hai cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. |
Kéo dài bao nhiêu năm như vậy, bài học quá rõ, vay ODA hay gì thì họ cũng chủ động, tiến độ, thiết bị cũng của họ. Tiến độ kéo dài ra bao lâu từ đó đội vốn gấp 3 lần so với trước. Tất cả cái đó đặt ra nhiều vấn đề.
Các điều kiện ràng buộc vô lý của họ cũng là đấu thầu nhưng lại chọn giá rẻ, ngoài giá rẻ không biết có chuyện đi đêm hay không? Tôi rất nghi ngờ điều đó.
Tôi biết, rất nhiều chủ đầu tư, nhà thầu của Trung Quốc tại Việt Nam đều nhỏ, chưa có kinh nghiệm, họ sang Việt Nam để là nơi thử nghiệm, học hỏi.
Trên báo chí quốc tế, các hệ quả nhãn tiền về việc sử dụng vốn Trung Quốc khiến chủ quyền doanh nghiệp, dự án, lãnh thổ bị đánh đổi, lời khuyên của bà là gì?
Việt Nam rất nên thận trọng vay vốn Trung Quốc, Sri Lanka, Lào và Campuchia có khá nhiều dự án, vùng đất vào tay Trung Quốc rồi. Biết bao bài học, ngay ở gần Việt Nam, những người có trách nhiệm trước hết phải nhìn ra, ngay cả vốn tư nhân cũng phải ngăn chặn, vì nó cũng làm gia tăng nợ nước ngoài.
Nếu tư nhân vay không trả được mà còn ảnh hưởng uy tín, nó dội lên các vấn đề khác khi dự án khác chúng ta vay cũng phải chịu mức lãi suất cao hơn, doanh nghiệp đàng hoàng cũng không được vay với lãi suất thấp. Các doanh nghiệp khác phải chịu vạ lây.
Nhiều nước khác họ còn lệnh cấm đầu tư, vốn của Trung Quốc vào các khu vực như Mỹ hoặc một số nước EU, chúng ta không làm thế được nhưng cần sàng lọc và có cơ chế xử lý người phê duyệt dự án kém hiệu quả, gây hệ quả xấu cho đất nước.
Việt Nam đang phụ thuộc Trung Quốc về thương mại, hàng hóa, những cái này còn thay đổi được, nếu phụ thuộc về vốn, bị thâu tóm doanh nghiệp, dự án chắc chắn chúng ta khó có thể độc lập với họ được.
Việc vay mượn tiền, nếu không trả được sẽ mất luôn chủ quyền các nhà máy, thậm chí ở đó lại là các dự án quan trọng, ở vị trí quan trọng và kèm luôn sở hữu đất đai.
Hiện Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, chúng ta đang phải tiếp cận vốn vay với lãi suất cao, Việt Nam sẽ phải nghiêm túc cơ cấu lại nguồn vay và chủ động lựa chọn?
Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình rồi nên chúng ta đều phải vay với lãi suất cao, không còn viện trợ không hoàn lại nữa. Như vậy, vay vốn cần phải tính toán hiệu quả, trả lãi thậm chí cả vay của ADB, WB và Nhật Bản... Vay ODA liên quan đến nợ công, sau này tất cả những người đóng thuế phải chịu nên Nhà nước cần tính toán kỹ càng.
Hơn nữa, điều kiện kinh tế tư nhân hiện nay đã khác rồi, doanh nghiệp đã lớn và họ đã có thể tham gia làm nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều việc trước kia chúng ta cứ nói doanh nghiệp Nhà nước mới làm được, còn tư nhân không cho làm, không thể làm, nhưng bây giờ tư nhân họ làm được hết. Những gì có lợi thì họ có làm, muốn hay không thì cũng phải tin và giao trách nhiệm cho họ.
Ngay cả hiện nay, chính sách PPP, trong đó có BOT, BT chúng ta hô hào làm nhưng vẫn bất cập, nhiều doanh nghiệp làm BOT vẫn có rủi ro từ chính sách.
Nếu chúng ta không nhìn thấy điểm yếu để khắc phục giúp nền kinh tế tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng mà chỉ dựa vào vay vốn, chắc chắn gánh nợ sẽ lớn hơn và Việt Nam trở thành nền kinh tế đắt đỏ.
Những kiến nghị của cử tri Đà Nẵng xuất phát từ việc đường cao tốc Quảng Nam - Đà Nẵng có dính đến nhà thầu Trung Quốc?
Đường cao tốc Quảng Nam - Đà Nẵng khánh thành xong 1 tháng đã hỏng mà hỏng chủ yếu là ở đoạn bị bán lại thầu cho nhà thầu Trung Quốc đảm nhận. Tôi xin nói rằng, chúng ta cần phải xử thật nghiêm vì đây không chỉ là vi phạm về kinh doanh mà còn là đạo đức, là dối trá không thể dung túng cho một nền kinh tế đang mong mỏi được phát triển như Việt Nam.
Những dự án, những công trình lớn của Việt Nam có liên quan đến Trung Quốc hầu hết đều ở trạng thái không tốt, thậm chí kém chất lượng, kéo dài thời gian, chậm tiến độ. Điều này ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển của Việt Nam.
Một Việt Nam yếu có lợi cho những mưu tính của các thế lực nước ngoài, chúng ta cần biết điều này và ngăn chặn.
Về nguyên tắc tự do chu chuyển vốn vay và vận động của tư bản thế hệ mới, các nhà thầu Trung Quốc thoải mái chào thầu với Việt Nam, nhưng chúng ta đang ở vị thế khác, cần chủ động chọn lựa sáng suốt và thông minh, không ai bắt được chúng ta chỉ có 1 lựa chọn sống chết phải nhận vốn vay Trung Quốc với đầy rủi ro.
Tôi biết, có tình trạng các dự án lớn như nhiệt điện của tỉnh họ không muốn sử dụng thầu hoặc nhà đầu tư Trung Quốc đâu nhưng ở phía trên ép xuống phải nhận thầu của phía Trung Quốc. Chúng ta cần ngăn chặn tình trạng này một cách triệt để vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm của bộ ngành, địa phương trong dự án.
"Tham nhũng vặt" là mối họa của vay vốn nước ngoài, là động lực cho những dự án yếu kém có liên quan đến nhà thầu Trung Quốc, bà có nhận định gì về vấn đề này?
Tham nhũng là nguyên nhân khiến cho nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, trước đây tôi thấy doanh nghiệp họ nói phải lót tay 30% để lại quả dự án cho người này, người kia, đến nay đã là 50%. Mỗi lần tăng vốn, họ lại lại quả.
Chúng ta cần quy định tăng vốn không quá 5%, nếu không thì xử phạt, chứ không thể nói chuyện chậm trễ, tăng giá đội vốn.
Chúng ta đang có sơ hở rất lớn về chính sách kỷ luật người có quyền lực. Kỷ luật chưa được đưa vào luật lệ và nếu có đưa rồi cũng không thực hiện được. Có những điều rõ như ban ngày mà không thể xử phạt được ai, rồi vẫn như "đá bám ao bèo". Báo chí lên tiếng, chuyên gia bức xúc cũng không làm gì được, với kiểu cách này dễ dung túng cho nhau.
Xin trân trọng cảm ơn bà!