Tại hội thảo Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất? diễn ra ngày 23/11, tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang những nơi này.
Theo bà, việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa nhiều hơn.
Về dịch chuyển dòng vốn, bà Trang cho rằng Việt Nam sẽ chịu nguy cơ "chuyển dịch giả mạo", "gian lận thương mại" do Trung Quốc "mượn" thị trường để tránh thuế.
Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại. |
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông chung quan điểm khi cho rằng những doanh nghiệp nhựa trong nước cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, khi họ gia tăng đầu tư để đội nhãn mác của Việt Nam, nhằm tránh đòn thuế của phía Mỹ.
Trong khi đó, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho hay mỗi cuộc chiến đều có cơ hội và thách thức cho Việt Nam, quan trọng doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội thế nào.
Theo ông Thiên, cuộc chiến này sẽ thúc đẩy hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn sang Việt Nam. Nếu đây là nguồn nguyên liệu thì có lợi cho nền kinh tế nhưng nếu là thành phẩm thì liệu hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh được không?
Về đầu ra, việc Trung Quốc gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ, sẽ là cơ hội lớn cho hàng hóa các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng liệu hàng hóa Việt Nam có đủ chất lượng để vào được thị trường Mỹ hay không?
Thực tế theo ông Thiên, sau 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam vẫn còn rất "yếu ớt" khi chỉ chiếm chưa tới 10% GDP. Khu vực hộ gia đình chiếm khoảng 30% GDP, khu vực doanh nghiệp nhà nước gần 30% GDP. Đây là một vấn đề lớn trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam.
Các doanh nghiệp có thể "kiếm ăn lặt vặt" trong ngắn hạn, theo ông Thiên. Nhưng Việt Nam phải có chiến lược đối phó với rủi ro dài hạn vì "tác động tới kinh tế Việt Nam có thể rất đáng kể và theo hướng tiêu cực nhiều hơn trong dài hạn".
Giải thích cho nhận định này, ông Thiên cho hay, cuộc chiến thương mại tác động tới đầu tư khiến lòng tin của nhà đầu tư bị suy giảm, dòng vốn rút chạy khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam; chuỗi cung ứng toàn cầu bị xáo trộn sâu, môi trường đầu tư và thương mại toàn cầu trở nên bất định hơn.
Để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước, ngoài những cố gắng từ phía doanh nghiệp, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, cho rằng chính phủ cần xem xét việc đánh thuế nhập khẩu nếu có dấu hiệu bán phá giá, đồng thời không cấp giấy phép đầu tư - giấy phép đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn hai phần ba chuỗi qui trình sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra chính phủ cũng nên thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại kiểu mới với châu Âu và các nước khác, đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro - khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Bà Trang cũng nhìn nhận, trong bối cảnh chiến tranh thương mại chưa kết thúc, doanh nghiệp sản xuất nên theo dõi tình hình, để có ứng xử kịp thời với từng biến động. Đồng thời doanh nghiệp nên tìm hiểu rõ cơ hội ở đâu, dành cho mặt hàng nào, biên độ với cơ hội ra sao. Hiện đã có những công bố về danh sách sản phẩm bị áp thuế đợt 1 (25%) nhóm 50 tỷ đôla và đợt 2 (10%), nhóm 200 tỷ đôla Mỹ. Từ đó doanh nghiệp phải sẵn sàng hành động, chớp cơ hội như tìm hiểu khách hàng của các sản phẩm bị áp thuế là ai để tiếp cận chào hàng, và chuẩn bị năng lực đáp ứng.
Theo bà Trang, một điều quan trọng của doanh nghiệp cần lưu ý đó là "dĩ bất biến ứng vạn biến", nghĩa là củng cố những cái cố định như năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo, năng lực kết nối để có thể thắng được những biến động lớn xung quanh, trong trường hợp này là chiến tranh thương mại.
Ông Võ Minh Nhựt, Tổng giám đốc NS BlueScope Việt Nam chia sẻ thêm, trong hoàn cảnh như hiện nay, công ty ông đang cố gắng tạo ra các dòng sản phẩm mới tập trung vào xu hướng công nghệ xanh để có hướng đi khác. Ngoài ra, để tránh bị ảnh hưởng bởi các quy định áp thuế, doanh nghiệp cố gắng đa dạng các sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng như châu Phi, Caribe và Nam Mỹ...
Theo VNE