|
Cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Long Yongtu trao đổi với các phóng viên tại hội thảo ở Bắc Kinh hôm 18/11. Ảnh: AFP. |
Cuộc "đấu khẩu" giữa Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây ở hội nghị APEC tại Papua New Guinea cho thấy giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này đang tồn tại những bất đồng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong thương mại, làm dấy lên lo ngại về một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới". Cuộc đối đầu này được dự đoán sẽ kéo dài, trong khi Trung Quốc dường như chưa có sự chuẩn bị tốt và có thể đã "tự bắn vào chân" bằng quyết định sai lầm khi lựa chọn đòn áp thuế trả đũa trong chiến tranh thương mại với Mỹ, theo Washington Post.
Cựu thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Long Yongtu hôm 18/11 lần đầu tiên thừa nhận nước này đã áp dụng các chiến thuật sai lầm trong cuộc chiến "đòn áp thuế" với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt là quyết định tăng thuế đối với mặt hàng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ.
"Nông sản là vấn đề rất nhạy cảm trong thương mại và đậu nành không phải là ngoại lệ. Tôi từng đưa ra lời khuyên rằng chúng ta nên tránh tung đòn nhắm vào nông sản bởi đó cần được coi như giải pháp cuối cùng", ông Long nói trong một hội thảo thường niên do tạp chí Tài Kinh có trụ sở ở Bắc Kinh tổ chức. "Nhưng thay vào đó, chúng ta lại nhắm vào đậu nành ngay từ đầu".
Theo bình luận viên Frank Tang của SCMP, tuyên bố này của ông Long, người từng phụ trách các cuộc đàm phán để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phần nào hé lộ những mâu thuẫn nội bộ trong giới lãnh đạo Trung Quốc về cách đối phó với Trump trong cuộc chiến thương mại. Ông Long đặc biệt chỉ trích việc áp đặt ý chí chính trị vào các cuộc đàm phán thương mại.
"Khi có người lúc nào cũng nói về việc đưa chính trị vào bàn đàm phán thương mại, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận", cựu quan chức này nói nhưng không đề cập trực tiếp đến người nào. "Chúng tôi đã không suy nghĩ thấu đáo". Ông khẳng định việc tăng thuế nhập khẩu đối với đậu nành để trả đũa quyết định áp thuế của Trump là quyết định "thiếu khôn ngoan".
Mỹ khơi mào cuộc chiến thương mại từ tháng 6 khi quyết định áp thuế 25% với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải tung đòn đáp trả. Trung Quốc lúc đó quyết định nhắm vào đậu nành Mỹ vì cho rằng đòn áp thuế này sẽ "gây đau đớn" cho các bang nông nghiệp vốn có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa của Trump.
Lou Jiwei, cựu Bộ trưởng Tài chính và hiện là Chủ tịch Quỹ Hưu trí Quốc gia Trung Quốc, hồi tháng 3 từng tuyên bố rằng Bắc Kinh có thể khiến nền kinh tế Mỹ phải trả giá bằng cách "đánh mạnh" vào các mặt hàng như đậu nành, xe hơi và máy bay. Với tư duy đó, Trung Quốc quyết định áp thuế 25% với sản phẩm đậu nành nhập khẩu của Mỹ trong màn "đấu thuế" đầu tiên với Trump.
Giới chuyên gia cho rằng phát biểu của ông Long cho thấy chiến thuật đó có thể đã khiến Trung Quốc "tự bắn vào chân", bởi đậu nành nhập khẩu có vai trò rất quan trọng với ngành chăn nuôi nước này. Đòn áp thuế khiến lượng đậu nành Mỹ nhập vào Trung Quốc giảm đáng kể, nhưng cũng đẩy giá mặt hàng này trong nước tăng lên, ảnh hưởng đáng kể đến ngành chăn nuôi lợn. "Trung Quốc là nước rất cần nhập đậu nành, vậy sao chúng ta lại nhắm vào đậu nành ngay từ đầu? Đây có phải là tính toán thấu đáo?", ông Long đặt câu hỏi.
|
Một nông dân Mỹ kiểm tra đậu nành tại Fargo, Bắc Dakorta. Ảnh: Reuters. |
Việc Bắc Kinh tung đòn áp thuế vào đậu nành để gây thiệt hại cho nông dân Mỹ ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ đã không khiến chính quyền Trump chùn bước mà ngược lại, Washington càng thể hiện lập trường cứng rắn hơn và tiếp tục tung ra đòn đánh thứ hai, áp thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời đe dọa sẽ tăng thuế lên 25% vào đầu năm sau nếu Trung Quốc không chịu thay đổi hành vi thương mại của mình.
Vì thâm hụt thương mại giữa hai nước quá lớn, Bắc Kinh không thể tiếp tục chạy đua áp thuế về số lượng với Washington nên quyết định đáp trả bằng cách tăng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại của Mỹ. "Ở khía cạnh nào đó, tôi thích tính cách của Trump", ông Long nói. "Tôi hy vọng các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước sẽ có kết quả tốt đẹp".
Tương lai mờ mịt
Tuyên bố của ông Long được đưa ra trong bối cảnh đội ngũ đàm phán của cả Mỹ và Trung Quốc đều đang có những bước chuẩn bị tích cực cho vòng đàm phán thương mại mới trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập bên lề hội nghị G-20 sắp diễn ra ở Argentina. Trump cũng đề cập đến khả năng đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng giới quan sát cho rằng đây chỉ là "đòn gió" của Tổng thống Mỹ, khi chính quyền của ông vẫn có những động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi.
Theo bình luận viên Bob Bryan của Business Insider, những phát biểu gần đây của Phó tổng thống Pence nhắm vào sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng như tranh cãi về thương mại giữa hai nước khiến APEC lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung cho thấy triển vọng hòa giải, thu hẹp bất đồng trong vấn đề thương mại giữa hai nước vẫn rất mờ mịt, báo hiệu một cuộc gặp Trump – Tập không nhiều hứa hẹn.
Chính quyền Trump cũng rục rịch chuẩn bị các vũ khí khác ngoài đòn áp thuế để gia tăng áp lực với Trung Quốc trong chiến tranh thương mại. Bộ Thương mại Mỹ hôm 19/11 bắt đầu công khai thảo luận về những quy định mới, cho phép họ hạn chế xuất khẩu một số công nghệ quan trọng để bảo vệ an ninh quốc gia. Quy định này nếu có hiệu lực sẽ cho phép Mỹ ngăn chặn việc xuất khẩu những công nghệ tối tân tới Trung Quốc và giảm thiểu nguy cơ bị sao chép hay xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
|
Tổng thống Trump (phải) và Chủ tịch Tập trong cuộc gặp ở Washington năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Theo Đạo luật Kiểm soát Xuất khẩu mới được quốc hội Mỹ thông qua, chính quyền Trump được quyền phong tỏa, ngăn chặn doanh nghiệp xuất khẩu "những công nghệ mới nổi và mang tính nền tảng" tới các quốc gia đối thủ. Các công nghệ cao mà Nhà Trắng muốn tăng cường kiểm soát xuất khẩu liên quan tới 14 lĩnh vực, trong đó có công nghệ sinh học, robot và trí tuệ nhân tạo.
Chính quyền các tổng thống Mỹ trước đây thường chỉ áp dụng quy định hạn chế xuất khẩu với các công nghệ có liên quan trực tiếp đến năng lực quân sự. Việc chính quyền Trump mở rộng quy định này để bao trùm những sản phẩm về lý thuyết có thể ứng dụng cho lĩnh vực quân sự được coi là một bước tiến đáng kể nhằm tăng sức ép với Trung Quốc.
Bộ Tư pháp Mỹ gần đây cũng tăng cường điều tra, truy tố các cá nhân, tổ chức Trung Quốc có hành vi gián điệp kinh tế và thành lập một lực lượng đặc biệt để đối phó với các thủ đoạn kinh tế bất hợp pháp của Trung Quốc. Đây được coi là những vũ khí đầy quyền năng, giúp Trump có thể kéo dài chiến tranh thương mại với Bắc Kinh mà không phải tung thêm đòn áp thuế, vốn cũng gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng Mỹ.
"Người Trung Quốc đến nay vẫn không biết cách đối phó với Trump như thế nào, và có lẽ họ cũng không thực sự biết mình đang làm gì", Trey McArver, đồng sáng lập tổ chức tư vấn Trivium China có trụ sở ở Bắc Kinh, nói. "Họ không có bất cứ ý tưởng nào mới. Tôi cho rằng họ chỉ đang trông chờ vào may mắn".
Theo VNE