Hạn chót 20-11, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng thế nào về xử lý bất cập BOT?

Thứ ba, 20/11/2018, 17:25
Một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết hôm nay 20-11, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hướng xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng.    

Vấn đề vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy được người dân cả nước quan tâm, đặc biệt là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Chiều 20-11, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho PV biết hôm nay (20-11)

Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 8-11.

Trả lời về hướng xử lý đối với Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), vị lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ báo cáo Thủ tướng 2 phương án để Thủ tướng xem xét, quyết định.

Cụ thể, phương án 1: giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm khoảng 30% so với ban đầu. Lúc này các phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt.

Phương án 2: Lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Lúc đó, trạm trên quốc lộ 1 sẽ thu giá 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1.

Theo vị lãnh đạo Bộ GTVT, đây vẫn là 2 phương án được lựa chọn trên cơ sở 5 phương án mà Bộ GTVT đã đưa ra trước đây và không có gì thay đổi.

Đối với Phương án 1, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý III của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trả lời câu hỏi về phương án xử lý với Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên QL1 hiện nay. Đồng thời mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn giảm thêm xã Long Khánh và phường 2. Đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội. Giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh.

Theo tính toán, với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng.

Bộ GTVT phân tích phương án này có ưu điểm là không phải bố trí ngân sách Nhà nước hỗ trợ, đồng thời giảm một phần chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại của người dân. Phương án này còn đạt mục tiêu quan trọng của dự án là phân luồng giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường trung tâm thị xã Cai Lậy. Nhược điểm là phải kéo dài thời gian hoàn vốn.

Còn với phương án 2, Bộ GTVT đánh giá ưu điểm của phương án này là giảm một phần phản ứng của một bộ phận người sử dụng. Tuy nhiên, phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng thêm trạm ở vị trí mới khoảng 90 tỉ đồng, địa phương phải bố trí thêm diện tích giải phóng mặt bằng để làm trạm. Tuy nhiên, phương án này sẽ dẫn đến tình trạng các phương tiện tập trung đi trên quốc lộ 1 do mức giá trên quốc lộ 1 thấp hơn tuyến tránh, gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

Trước đó, Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 8-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan chủ động rà soát các dự án BOT, có phương án xử lý phù hợp, công khai, minh bạch nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc đối với các dự án nêu trên, hoàn thành trước ngày 20-11-2018.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích