Mỹ cáo buộc Trung Quốc “tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ”

Thứ tư, 21/11/2018, 12:52
Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiếp tục một chiến dịch có sự hậu thuẫn của Chính phủ nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ...

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Mỹ ngày 20/11 cáo buộc Trung Quốc tiếp tục một chiến dịch có sự hậu thuẫn của Chính phủ nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ cho dù hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong một cuộc chiến "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan.

Theo tin từ Bloomberg, cáo buộc mới nói trên được đưa ra trong một bản báo cáo chi tiết dài 53 trang của văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) do ông Robert Lighthizer đứng đầu. Động thái này của Mỹ diễn ra chỉ 10 ngày trước khi Tổng thống Donald Trump dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh khối G20 diễn ra ở Buenos Aires, Argentina.

Thời điểm bản báo cáo trên được công bố cho thấy có vẻ đây là bước đi của một số thành viên mang quan điểm "diều hâu" về thương mại trong chính quyền ông Trump, trong đó có ông Lighthizer, nhằm củng cố quan điểm của họ trước cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo. Trong khi đó, một số người có quan điểm mềm mỏng hơn như Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin vẫn đang có những nỗ lực nhằm nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

"Về cơ bản, Trung Quốc chưa hề điều chỉnh hành vi, chính sách và các hoạt động liên quan đến chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và sáng tạo, và có vẻ như đã có thêm những hành động phi lý trong những tháng gần đây", báo cáo có đoạn viết.

Cũng trong báo cáo này, Mỹ cáo buộc Trung Quốc tiếp tục một chiến dịch do Chính phủ hậu thuẫn nhằm mở các cuộc tấn công mạng với mục tiêu là các công ty Mỹ. Báo cáo cho rằng các cuộc tấn công mạng từ phía Trung Quốc ngày càng mạnh và tinh vi hơn trước.

Theo báo cáo, Trung Quốc đã đáp trả những mối lo của Mỹ về chiến lược "Made in China 2025" (tạm dịch: "Sản xuất ở Trung Quốc 2025") bằng cách mở một chiến dịch tuyên truyền nhằm "nói giảm, nói tránh" về tầm quan trọng của chiến lược, thay vì có những thay đổi thực sự như đề nghị của Mỹ. "Made in China" là chiến lược của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc chiếm vị thế dẫn đầu trong những lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy (robot).

"Ngoài mặt thì giảm nhấn mạnh về ‘Made in China 2025’, nhưng thực ra Trung Quốc vẫn tiếp tục thực thi chính sách công nghiệp này trên quy mô lớn", báo cáo viết.

Bản báo cáo cập nhật này của USTR cũng cho rằng kể từ khi USTR đưa ra báo cáo lần đầu hồi tháng 3 nêu lý do cho việc chính quyền ông Trump áp thuế quan bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh mới chỉ thực hiện những thay đổi rất nhỏ trong hạn chế đối với đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực.

Cũng theo báo cáo, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm trong năm 2018, nhưng có những dấu hiệu cho thấy dòng vốn đang tập trung hơn vào các công ty khởi nghiệp (startup) công nghệ - lĩnh vực mà chính quyền ông Trump muốn bảo vệ. "Đặc biệt, vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào các trung tâm công nghệ Mỹ như Silicon Valley đã tăng lên trong những tháng gần đây", báo cáo viết.

Ông Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), bản báo cáo của USTR có vẻ như là một nỗ lực của ông Lighthizer nhằm gây ảnh hưởng lên các cuộc thảo luận Mỹ-Trung trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh ở G20. "USTR đang cố gắng chặn trước một số vấn đề, phòng trường hợp Trung Quốc muốn thứ gì đó để đổi lấy việc họ ‘hủy bỏ Made in China 2025’", ông Scissors nói.

Cùng ngày 20/11, ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng cho biết Washington và Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục các cuộc thảo luận trước thềm G20, và nói ông Trump tin Trung Quốc muốn hai bên đạt thỏa thuận.

"Tổng thống tin rằng Trung Quốc muốn có thỏa thuận", ông Kudlow nói với kênh Fox. Ông cũng cho biết "các cuộc thảo luận rất chi tiết" đang diễn ra ở mọi cấp giữa hai Chính phủ.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn