Thẩm phán Mỹ lại cản trở chính sách nhập cư của ông Donald Trump

Thứ ba, 20/11/2018, 17:20
Hôm 19-11, một thẩm phán đã tạm thời chặn sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc cấm người vượt biên trái phép xin tị nạn tại Mỹ.

Phán quyết của Thẩm phán Jon Tigar tại tòa án liên bang ở TP.San Francisco có hiệu lực tức thì và được áp dụng trên toàn quốc. Theo Reuters, phán quyết này dự kiến có hiệu lực đến ít nhất là ngày 19-12, thời điểm diễn ra một phiên tòa khác để đưa ra một phán quyết dài hạn hơn.

Trước đó, vào ngày 9-11, Tổng thống Trump ra quyết định không cho phép người vượt biên trái phép xin tị nạn tại Mỹ, nói rằng kế hoạch này là cần thiết để ngăn chặn đoàn di cư hàng ngàn người đang tiến về Mỹ.

Tổng thống Trump cho rằng cơ chế cho phép tị nạn của Mỹ đang bị "lạm dụng tràn lan" và điều này khiến lượng người xin tị nạn tăng vọt từ 5.000 người vào năm 2008 lên đến 97.000 người vào năm 2018.

Tổng thống Trump so sánh đoàn di cư hàng ngàn người đang tiến về Mỹ là "một sự xâm lấn". Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì quyền dân sự đã trình đơn kiện, lập luận rằng việc cấm người di cư xin phép tị nạn tại Mỹ là một hành động vi phạm pháp luật và hiệp ước mà Mỹ đã ký kết.

Đạo luật Di trú và Quốc tịch 1965 nêu rõ mọi công dân nước ngoài đến Mỹ, kể cả những người vượt biên trái phép, đều có quyền xin tị nạn.

Trong khi đó, một hiệp ước Liên Hiệp Quốc được Mỹ ký vào năm 1951 nêu rõ "người tị nạn không nên bị xử phạt vì vượt biên trái phép" bởi vì một số điều kiện cực đoan bắt buộc họ phải làm thế.

Binh sĩ Mỹ đang thiết lập chướng ngại vật, bao gồm hàng rào kẽm gai, tại biên giới Mỹ-Mexico để ngăn chặn đoàn người di cư vượt biên trái phép. Ảnh: AP

Trong phán quyết của mình, thẩm phán Tigar khẳng định Quốc hội Mỹ nêu rõ rằng người di cư được quyền xin tị nạn tại Mỹ kể cả khi họ vượt biên trái phép.

"Bất kể thẩm quyền của Tổng thống lớn đến đâu, ông ấy cũng không được viết lại luật di cư để thực hiện một hành động mà Quốc hội không cho phép" – ông Tigar, người được Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, nhấn mạnh.
Những người di cư, chủ yếu đến từ khu vực Trung Mỹ, đang tiến về "xứ sở cờ hoa" với hy vọng đổi đời. Ảnh: Reuters
Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích