Thượng nghị sỹ Mỹ: Để người Nga làm chủ tịch Interpol không khác gì "giao chuồng gà cho cáo"

Thứ ba, 20/11/2018, 17:12
Trước thông tin ứng viên người Nga, Aleksander Prokopchuk có khả năng cao sẽ được bầu vào vị trí chủ tịch Interpol trong cuộc họp đại hội đồng Interpol ở Dubai vào ngày mai 21/11, thượng nghị sỹ Mỹ cho rằng điều này không khác gì "giao chuồng gà cho cáo"

Ngày 18/11, các phái đoàn từ khắp nơi trên thế giới tập hợp trong cuộc họp đại hội đồng của Interpol. Tại cuộc họp lần thứ 87 diễn ra ở Dubai, một trong những chương trình nghị sự quan trọng sẽ diễn ra ngày 21/11 là chọn chủ tịch mới để thay thế ông Meng Hongwei (Mạnh Hoành Vĩ), người bị Trung Quốc bắt giữ cuối tháng 9/2018 và nộp đơn từ chức hôm 7/10.

Theo Washington Post, ứng viên hàng đầu có thể trở thành lãnh đạo tiếp theo của Interpol là Alexander Prokopchuk người Nga. Ông Alexander Prokopchuk là tướng Bộ Nội vụ Nga, một cựu chiến binh, người đứng đầu Interpol tại Nga trong suốt 7 năm và hiện là một trong 4 phó chủ tịch Interpol. Ông là người Nga đầu tiên giữ vị trí cấp cao này và được bầu vào năm 2016.

Alexander Prokopchuk, phó Chủ tịch Interpol người Nga được xem là ứng viên tiềm năng cho vị trí Chủ tịch. (Ảnh: Tass)

Không khác gì "giao chuồng gà cho cáo"

Tuy cuộc bỏ phiếu ngày 21/11 chưa diễn ra, nhiều chuyên gia và quan chức đã nhận định ứng viên người Nga Alexander Prokopchuk sẽ trở thành lãnh đạo mới của tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế, xét đến sự ủng hộ của các thành viên khác trong tổ chức.

Các nhà phê bình cho rằng việc ông Prokopchuk được bổ nhiệm có thể giúp điện Kremlin lợi dụng quá trình ban hành lệnh bắt giữ quốc tế của Interpol – còn được gọi là hệ thống cảnh báo đỏ (red notice).

“Tôi không thể tin được một quan chức Nga sẽ dẫn đầu Interpol” – Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga viết trên Twitter. Ông nói Nga từng có tiền sử lợi dụng cảnh báo đỏ cho mục đích chính trị.

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhiều tranh cãi dấy lên xung quanh việc Điện Kremlin có thể nắm quyền bao quát tổ chức Interpol khi công dân Nga lên làm chủ tịch. Một nhóm lưỡng đảng các Thượng nghị sỹ Mỹ, bao gồm thành viên Cộng hòa Marco Rubio và Roger Wicker, thành viên Dân chủ Jeanne Shaheen và Chris Coons lên tiếng chỉ trích trong bức thư kêu gọi phản đối Alexander Prokopchuk làm chủ tịch: “Interpol chọn Prokopchuk là chủ tịch mới cũng giống như chọn một con cáo phụ trách chuồng gà. Nga có thói quen lợi dụng Interpol cho mục đích quấy rối các đối thủ chính trị, các nhà bất đồng chính kiến và nhà báo.”

Chủ tịch Interpol có quyền lực hạn chế

Giám đốc Interpol sẽ lãnh đạo một ủy ban điều hành họp mặt 4 tháng một lần để đưa ra các chính sách và đường lối cho tổ chức. Thẩm quyền cao nhất của tổ chức dù vậy nằm trong 192 thành viên đại hội đồng, trong khi các công việc trực tiếp hàng ngày được điều hành bởi Tổng thư ký.

Một luật sư chuyên về các vụ dẫn độ của Interpol, Yuriy Nemets cho biết dù việc bổ nhiệm chủ tịch mới là một vấn đề đáng cân nhắc nhưng chủ tịch Interpol có “quyền lực hạn chế” và Interpol có những cơ chế nội bộ để ngăn chặn mọi hành vi lạm quyền.

Đại hội đồng Interpol lần này cũng sẽ xem xét kết nạp một số thành viên mới, trong đó có Kosovo.

Các ứng viên khác tham gia tranh cử chức chủ tịch Interpol

Các ứng viên khác sẽ được bỏ phiếu là Kim Jong Yang từ Hàn Quốc, người đang giữ vị trí quyền chủ tịch Interpol và Anbuen Naidoo, thành viên ban điều hành được đề cử từ Nam Phi.

Thiếu tướng Anbuen Scott Naidoo đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực cảnh sát quốc tế, được bổ nhiệm vào Ủy ban điều hành Interpol năm 2016. Trước đó, ông là người đứng đầu Interpol Nam Phi.

Ông Anbuen Scott Naidoo.

Trong khi đó, ông Kim Jong Yang hiện giữ chức quyền chủ tịch Interpol, sau khi cựu giám đốc Meng Hongwei người Trung Quốc bị bắt giữ và từ chức. Ông được bầu làm phó giám đốc đại diện Ủy ban điều hành Interpol tại châu Á nhiệm kỳ 2015 – 2018. Ông từng công tác tại công an tỉnh Gyeongnam, công an tỉnh Gyeonggi và Cơ quan kế hoạch và hợp tác ngành công an Hàn Quốc.

Ông Kim Jong Yang.

Về cơ bản, Interpol làm việc như một cơ quan trung gian cho các tổ chức cảnh sát quốc gia đang muốn tìm kiếm nghi phạm nằm ngoài phạm vi lãnh thổ. Họ sẽ ban hành “thông báo đỏ” - hoặc cảnh báo để nhận dạng một người đang bị truy nã ở nước ngoài.

Trong khi điều lệ của hệ thống đã tuyên bố rõ về tính trung lập, nhiều ý kiến vẫn chỉ trích “thông báo đỏ” bị các chính phủ lợi dụng để "theo đuổi" các đối thủ chính trị và người bất đồng chính kiến. Năm 2016, Interpol đưa ra một số thay đổi nhằm tăng cường khung pháp lý của hệ thống này.

Trong số thay đổi, một đội các chuyên gia và luật sư quốc tế sẽ kiểm tra việc một thông báo có tuân thủ quy tắc Interpol hay không trước khi ban hành. Ngoài ra, Interpol đã tập trung hơn vào công việc của một cơ quan kháng nghị cho những người là mục tiêu của thông báo đỏ.

Theo VTC

Các tin cũ hơn