Hầu hết mọi người định mua những món mình cần dịp siêu giảm giá Black Friday, nhưng cuối cùng họ lại rước về nhiều thứ không có trong kế hoạch, trong khi ví sạch bách. Mua đồ mà không có chiến lược hợp lý khiến bạn tốn kém hơn là tiết kiệm, theo Businessinsider. Dưới đây là những lỗi lớn nhất nhiều người mắc phải:
Không nghiên cứu trước
Điều quan trọng nhất bạn nên làm trước ngày Black Friday là nghiên cứu trước xem khuyến mãi nào là thật, cái nào chỉ là chiêu trò.
Đầu tiên, đừng bị phân tán bởi những chương trình giảm giá sâu và thấp nhất. Thứ hai, kiểm tra kỹ xem sản phẩm đó mình có thực sự cần và có các đặc điểm như ý. Bạn sẽ hối tiếc nếu mua đồ rồi và sau đó phát hiện món này ở chỗ khác lúc nào cũng có giá thấp hơn, dù không chạy giảm giá.
Bạn bị lừa qua mạng
Black Friday là cơ hội hoàn hảo cho những kẻ lừa đảo. Thư điện tử và hộp tin nhắn của bạn có thể ngập thông tin khuyến mãi từ những cửa hàng mình yêu thích, nhưng đôi khi bạn cũng bị dụ vào những cửa hàng bán lẻ chưa từng biết. Tránh những đường dẫn trên mạng xã hội tới những người bán không tin cậy và tránh xa những món hời tới mức khó tin.
Vào những dịp khuyến mãi lớn, bạn cần có chiến lược mua sắm thông minh, nếu không sẽ tốn kém hơn là tiết kiệm. Ảnh: Sassy Mama. |
Bạn bị nhử mồi xem các thứ mình không cần
Trò này hầu như năm nào cũng có người bị mắc. Bạn lao tới siêu thị điện máy khi thấy quảng cáo chiếc TV đời mới giảm giá tới 70% nhưng khi đến nơi thì nó bán mất rồi. Sau đó, bạn được mời chào tới những chiếc đắt tiền hơn và có thể sa chân xem một loạt các món điện máy khác cũng được giảm giá sâu (sau khi đã được nâng giá lên cao). Đừng mắc mồi câu này. Nếu ở cửa hàng không có món bạn định mua, tốt nhất nên về tay không.
Bạn mua các sản phẩm công nghệ lỗi thời
Công nghệ thay đổi rất nhanh. Thường những mẫu cũ sẽ được giảm giá và người bán sẽ cố mồi chài để bạn mua các sản phẩm lỗi thời. Hãy kiểm tra kỹ xem sản phẩm đó có thực sự đáng tiền không. Cũng đừng quên xem xét liệu vài tháng tới có cập nhật bản mới và món bạn mua giá sẽ còn tụt sâu nữa.
Bạn chỉ tìm những sản phẩm giá thấp nhất
Thay vì tìm theo giá rẻ, bạn nên tìm những thứ có giá trị nhất. Hãy nhớ rằng, các nhà bán lẻ đang cố phân tán bạn bằng các con số và các bảng quảng cáo hào nhoáng. Đừng bị lừa mua thứ gì đó chỉ vì nó rẻ vì như thế sẽ gây tốn kém chứ không hề tiết kiệm.
Bạn không sử dụng các ứng dụng so sánh giá
Dù đã lên kế hoạch và tìm hiểu trước, bạn có thể bất ngờ gặp một món khuyến mãi hời. Cách tốt nhất để quyết định món đó có đáng tiền hay không là sử dụng ứng dụng so sánh giá. Như vậy bạn sẽ biết giá thực của sản phẩm này cũng như những cửa hàng khác đang niêm yết, có mức khuyến mại thế nào.
Bạn không mua các nhãn hiệu mà mình đã biết và tin cậy
Đừng bị thuyết phục mua một sản phẩm không không rõ nguồn gốc, không hiệu quả chỉ vì giá tốt hơn. Cách này sẽ tiết kiệm tiền về lâu dài.
Bạn không có chiến lược
Bạn phải có chiến lược khi mua sắm vào dịp siêu khuyến mại. Đây không phải thời điểm lang thang các cửa hàng và "xem có gì hay hay" không. Hãy biết chính xác mình cần gì và chỗ nào để mua món đó. Ghi rõ ra và có lịch chi tiết món nào mình mua ở đâu, trên mạng hay tại cửa hàng và nhớ tuân thủ theo.
Bạn không tận dụng nhân viên để nhờ tư vấn
Các nhân viên bán hàng ở đó để giúp bạn, vì vậy, hãy tận dụng. Đừng đặt niềm tin rằng họ sẽ chọn cho bạn món tốt nhất mà hãy hỏi họ về sản phẩm cụ thể bạn định mua. Khi cửa hàng đông đúc, nhân viên bán hàng có thể sẽ giúp định hướng tốt hơn, thay vì bạn một mình ngắm nghía và bị sao nhãng.
Bạn đi mua quá muộn
Dù chương trình giảm giá có thể kéo dài cả ngày, thậm chí vài ngày sau đó, nhưng đi sớm sẽ có nhiều mẫu mã, lựa chọn hơn cho bạn.
Bạn quên là còn nhiều dịp khuyến mại khác trong năm
Hãy nhớ rằng có rất nhiều chương trình giảm giá khác đang chờ. Đừng quá nôn nóng, sợ mình không mua ngay món đó thì nó sẽ hết hoặc không bao giờ có giá hời như vậy nữa. Tiền chưa tiêu vẫn là tiền của bạn. Các món hàng thì lúc nào cũng có.
Theo VNE