Chen lấn, tranh cướp, vì sao người Mỹ vẫn "cuồng" Black Friday?

Thứ sáu, 23/11/2018, 12:01
Tờ USA Today đặt câu hỏi về việc vì sao giữa thời đại của thương mại điện tử, việc chen chân mua hàng giảm giá thâu đêm tại các cửa hàng giống... thế kỷ trước vẫn phổ biến.

Cây viết Dan Carney của USA Today có bài bình luận vào thời điểm vài giờ đồng hồ trước khi các cửa hàng mở cửa đón dòng người mua sắm trong ngày hội giảm giá lớn nhất nước Mỹ, Black Friday.

"Với rất nhiều người trong chúng ta, ý tưởng về việc lao tới một trung tâm thương mại hay một cửa hàng bách hóa ngay sau Lễ Phục sinh không hề hấp dẫn chút nào. Vậy tại sao thay vì quây quần cùng gia đình, xem thể thao trên TV, đám đông vẫn bu kín những cửa hàng?", Carney đặt câu hỏi.

Giữa kỷ nguyên Internet, người Mỹ vẫn ngủ qua đêm trước các cửa hàng để chờ giảm giá Black Friday. Ảnh: Reuters.

Theo cây viết này, không gì có thể cản đám đông đang tìm kiếm đồ giảm giá Black Friday, kể cả thời tiết lạnh giá, cảnh chen lấn, hỗn loạn hay cả thực tế là việc vội vã tới các cửa hàng, trong kỷ nguyên mà thương mại điện tử có thể giao hàng vào tận nhà, xem chừng như giống cảnh từ thế kỷ trước.

Vậy vì sao người Mỹ vẫn xếp hàng từ đêm khuya, chen lấn để mua hàng Black Friday? Bài viết của Dan Carney phần nào lý giải câu hỏi này.

Thói quen mua sắm dịp lễ của người Mỹ rõ ràng đang có sự dịch chuyển. Dù Hiệp hội bán lẻ Mỹ không công bố chi tiết cơ cấu doanh thu dịp lễ đến từ nguồn trực tuyến nhưng theo dự đoán, con số này sẽ tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên không thể phủ nhận người Mỹ vẫn yêu thích việc tới các cửa hàng. Việc đến mua sắm tại các cửa hàng giống như một truyền thống lâu đời trong dịp nghỉ lễ của hàng riệu người Mỹ. Với nhiều người, điều này giống như khác biệt rõ ràng giữa chơi đá bóng với quả bóng thật và chơi game đá bóng.

Ngoài việc là nơi sinh ra để phục vụ thương mại, các cửa hàng còn là nơi những con người thật gặp gỡ và tương tác với nhau, thân mật hơn những tương tác thương mại điện tử.

Hơn nữa, trong một cửa hàng, người mua thực sự có cảm giác đi tìm kiếm một món hời. Món hàng không chỉ đơn thuần được bỏ vào "giỏ hàng" như khi mua hàng trực tuyến mà được người mua cầm nắm, cảm nhận thực tế trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Quá trình này không có nhiều thay đổi trong hàng chục năm nay.

Ngược lại, khi mua sắm trực tuyến, người mua không đối diện với nhân viên bán hàng, không có những cuộc hội thoại giữa người với người về sản phẩm. Tương tác với người mua là những thuật toán bí ẩn, nếu không muốn nói là chính xác đến rợn người, tự biết người mua đang cần gì, muốn gì dựa vào những lần mua sắm, tìm kiếm trước đó của người dùng.

Việc lao vào một "cuộc chiến", tranh cướp hàng giảm giá được người Mỹ coi như một truyền thống trong dịp Lễ Tạ ơn. Ảnh: The Independent.

Giao diện hướng dẫn người mua đây là món hời, hãy bỏ vào giỏ hàng, hãy thanh toán, và như vậy, việc mua sắm kết thúc.

Có thể chúng ta đáng giá quá cao hiệu ứng của Black Friday, có thể mọi người chỉ muốn tách khỏi gia đình một chút sau dịp nghỉ lễ Phục Sinh, có thể họ không cưỡng được một món đồ giảm giá nào đó. Tuy nhiên nhiều khả năng Black Friday vẫn tồn tại là bởi đây là một cuộc "nổi dậy" nhỏ chống tại kỷ nguyên Internet.

Và không phải cuộc nổi dậy nào cũng là vô lý. Chưa có một nghiên cứu nào cho thấy dành thời gian ở các cửa hàng là có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên đã có nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa thời gian lên mạng với nguy cơ trầm cảm và chứng lo sợ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn