Cư dân đảo Phú Quý hối hả đón bão mạnh nhất sau 12 năm

Thứ sáu, 23/11/2018, 14:37
Trước tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, cư dân trên huyện đảo Phú Quý đang hối hả chằng chéo nhà cửa, kéo tàu thuyền vào bờ để chuẩn bị đối đầu với cơn bão mạnh nhất trong 12 năm qua. 

Để chuẩn bị đối phó với bão số 9, người dân trên đảo cũng đã chuẩn bị chằng chống nhà cửa, chặt hạ các cây cối có nguy cơ ngã đổ, huy động lực lượng neo đậu, cố định tàu thuyền. Công tác ứng phó đến lúc này được đánh giá là khá tốt.

Người dân trên đảo đã chuẩn bị khá tốt đối phó bão số 9.

Trước đó hồi 9 giờ cùng ngày, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tim kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Thuận đã có công điện khẩn về đối phó bão số 9.

Theo đó, tin từ Trung tâm dự báo KTTV Trung ương, chiều tối nay (23-11), bão số 9 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực tỉnh Bình Thuận; trong đó, huyện Phú Quý là địa bàn trọng điểm của tâm bão đổ bộ, khả năng gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và tính mạng của người dân và khách du lịch trên đảo Phú Quý là hiện hữu.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1671/CĐ-TTg ngày 22-11 và để chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 9, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND và Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Quý; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện khẩn cấp một số nội dung, gồm kiểm tra, bố trí neo đậu tàu thuyền, phương tiện vận tải hiện đang neo đậu trong cảng và xung quanh khu vực đảo Phú Quý và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển đảm bảo chắc chắn, an toàn; không để người, thuyền viên ở lại trên tàu, lồng bè khi đã neo đậu, chằng buộc xong; thời gian xong trước 12 giờ 00' ngày 23-11.

Ủy ban nhân dân huyện Phú Quý phối hợp Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và huy động tất cả các lực lượng xung kích hiện có trên đảo để hỗ trợ giúp dân chằng, chống nhà cửa, công sở, kho tàng, trường học,...

Rà soát, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, phương án di dời, sơ tán dân các khu vực xung yếu, chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ đến nơi an toàn trước 17 giờ 00' ngày 23-11.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; kiểm tra các khu vực trọng điểm là các khu dân cư, cơ sở kinh tế, công trình đang thi công trên đảo, đảm bảo an toàn để phòng, tránh bão đổ bộ, hạn chế tối đa thiệt hại do bão có thể gây ra.

Thường xuyên giữ thông tin liên lạc với đất liền, báo cáo tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để điều hành, chỉ đạo, ứng phó kịp thời.

Một số hình ảnh tại đảo Phú Qúy:

Người dân ở Xã Long Hải đang kéo thuyền lên bờ, chuẩn bị đón cơn bão mạnh nhất trong 12 năm qua.

Theo anh Đỗ Đình Trọng, nhiều tàu thuyền neo ở cảng đã chạy vào đất liền, chỉ còn một số thuyền còn đậu lại.

Những chuyếc thuyền lớn đã được kéo lên bờ an toàn.

Người dân đang hối hả chuẩn bị đối phó với cơn bão số 9 ở khu bè cá ở xã Long Hải.

Cây xanh đã được tỉa gọn gàng trước khi bão số 9 quét qua.

Kể từ năm 2006 đến nay, cư dân huyện đảo Phú Quý mới phải đối mặt với cơn bão mạnh như bão số 9.

Chiều nay (23/11), Đài phát thanh huyện Phú Quý đã phát đi thông báo tất cả các cơ quan trên toàn huyện phải trực chống bão.

Hiện tại Phú Quý chưa có gió hay sóng lớn, nhưng theo kinh nghiệm của những người dân nơi đây thì đó là dấu hiệu cơn bão mạnh sắp đổ bộ.

Hồi 10h ngày 23/11, vị trí tâm bão số 9 cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 360km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 370km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 560km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.

Dự báo đến 10h ngày 24/11, vị trí tâm bão cách đảo Phú Quý khoảng 70km, cách Phan Rang (Ninh Thuận) khoảng 130km, cách Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 270km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12.

Theo VTC

Các tin cũ hơn