Hồi tháng 11-2014, Trung Quốc và Mỹ nhất trí cho phép công dân Trung Quốc đến Mỹ kinh doanh và du lịch được đăng ký thị thực lên đến 10 năm để họ không phải xin cấp thị thực nhiều lần.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa bị thu hồi thị thực 10 năm cho biết: "Đại sứ quán không đưa ra lời giải thích cho tôi. Tôi sẽ phải trải qua một cuộc phỏng vấn với Tổng lãnh sự Mỹ để xin cấp thị thực trong tương lai".
Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc. Ảnh: US Embassy in China |
Các nhà nghiên cứu cho biết đến nay việc thu hồi thị thực dường như chỉ giới hạn đối với nhóm nhỏ các chuyên gia tại các trung tâm nghiên cứu của Mỹ. Nhiều người Trung Quốc phàn nàn quá trình cấp thị thực vào Mỹ đang bị kéo dài, buộc một số nhà nghiên cứu phải hủy các chuyến đi Mỹ.
Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh hiện chưa lên tiếng về sự việc này. Dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ cũng đẩy mạnh quá trình rà soát công dân Trung Quốc có khả năng tiếp cận với những nhóm ngành công nghệ cao của Washington.
Ông chủ Nhà Trắng đã gán mác Trung Quốc là đối thủ chiến lược, cáo buộc quốc gia này chiếm đoạt tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ cũng như chỉ trích chương trình "Made in China 2025" của Bắc Kinh - chương trình với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Hồi tháng 6, Mỹ đưa ra chính sách hạn chế thị thực, rút ngắn thời hạn thị thực đối với những sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp chuyên ngành robot, hàng không và sản xuất công nghệ cao từ tối đa 5 năm xuống còn 12 tháng.
Một chuyên gia về quan hệ quốc tế Trung Quốc cho rằng những mối quan ngại về an ninh quốc gia đã khiến Mỹ siết chặt vấn đề cấp thị thực. "Kiểm soát thị thực chỉ là một trong những biện pháp" – người này nói.
Chen Wenling, nhà kinh tế trưởng tại Trung tâm trao đổi kinh tế quốc tế Trung Quốc, cho rằng rào cản lớn nhất là việc Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina vào ngày 1-12 nhằm giải quyết vấn đề về thuế quan.
Theo NLĐ