Cao tốc TP.HCM - Trung Lương dừng thu phí. Ảnh: Hoàng Nam. |
Thời điểm cao tốc TP.HCM - Trung Lương (Thân Cửu Nghĩa, Châu Thành, Tiền Giang) dừng thu tiền, nhiều tài xế tỏ ra bất ngờ vì không biết thông tin trước đó. "Tôi bận giao hàng nên không hay xả trạm. Mỗi ngày qua đây hai lần tốn vài trăm nghìn đồng, giờ không phải đóng tiền nữa, tốt quá", anh Lê Văn Mẫn ngồi trên ôtô tải cười, nói.
Toàn bộ barie tại 11 cabin trên cao tốc được kéo lên để xe tự do qua trạm. Chỉ nhân viên bảo vệ, điều tiết ở lại hoàn tất các khâu cuối.
Nhiều tài xế vẫn trả tiền vì chưa biết thông tin xả trạm. Ảnh: Hoàng Nam. |
Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải giao cho Tổng Công ty Cửu Long ký hợp đồng bán quyền thu phí sử dụng cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho Công ty Yên Khánh với giá trị trên 2.000 tỷ đồng, thời hạn 5 năm.
Từ hôm nay, công tác quản lý cao tốc sẽ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) nắm.
Liên quan việc thu phí trong thời gian qua, Bộ Công an vừa cáo buộc Trưởng trạm và nhóm cán bộ tại Công ty Cổ phần tập đoàn Yên Khánh sử dụng phần mềm điện tử để giấu tiền thu phí, trốn thuế.
Những người bị bắt về hành vi Mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật gồm: Ngô Bá Thắng (Giám đốc chi nhánh Long An thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh); Trần Văn Miền (Phó giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm); Nguyễn Văn Hiền (Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi)...
Cao tốc Trung Lương dài gần 62km, 6 làn xe với vận tốc 120km/h được đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, thông xe năm 2010, là cao tốc đầu tiên tại miền Nam. Mức phí từ 15.000 đến 180.000 đồng mỗi lượt xe, thời gian thu phí trên 20 năm.