Dự án gang thép ngàn tỉ "đắp chiếu": Bán thầu hưởng phí trái luật

Thứ năm, 21/02/2019, 09:08
Theo Thanh tra Chính phủ, trong dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty CP gang thép Thái Nguyên, chủ đầu tư, các nhà thầu và cơ quan quản lý nhà nước đã có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng.

Dự án có tổng mức đầu tư hàng ngàn tỉ đang bị "đắp chiếu"

Dự án cải tạo mở rộng sản xuất giai đoạn 2 được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào năm 2005 với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, do Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO) là chủ đầu tư. Năm 2007, thông qua đấu thầu rộng rãi, TISCO đã ký hợp đồng với nhà thầu Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) thực hiện gói thầu lớn nhất của dự án là EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt) số 1 với giá trị xấp xỉ 161 triệu USD.

Sang tay hàng loạt hợp đồng

Tại điều 9 của hợp đồng EPC, hai bên cam kết: giá hợp đồng này là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng và đã bao gồm các loại thuế được xác định trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC; trong đó giá trị phần E (tư vấn, thiết kế) là 3,1 triệu USD; phần P (thiết bị) là 114,8 triệu USD; phần C (xây dựng và lắp đặt) là 42,9 triệu USD. Thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng, tính từ tháng 9.2007. Mặc dù cam kết rõ ràng như vậy, nhưng trong quá trình thực hiện hợp đồng, TISCO và MCC đã ký 10 phụ lục điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng của hợp đồng EPC đã ký gây bất lợi cho TISCO.

Đáng chú ý, hai bên thỏa thuận với nhau chuyển phần C cho nhà thầu VN là Tổng công ty CP xây dựng công nghiệp VN (VINAINCON) thực hiện. Theo hợp đồng EPC ký với nhà thầu Trung Quốc, phần C có giá trị 42,9 triệu USD, nhưng khi qua tay VINAINCON thì trị giá công trình đã được báo cáo lên cấp trên thành 58,5 triệu USD, chênh lệch hơn 15 triệu USD.

Ngày 30.9.2009, TISCO, MCC và VINAINCON đã ký hợp đồng thầu phụ phần C với giá tạm tính hơn 764 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 21 tháng. Với việc “buông” phần C, nhà thầu Trung Quốc được hưởng phí quản lý hơn 700.000 USD. Tuy nhiên khi có được hợp đồng, VINAINCON đã không thực hiện theo cam kết mà ký tiếp 40 hợp đồng giao việc và khoán nhân công với 29 nhà thầu khác (28 nhà thầu VN và 1 nhà thầu Trung Quốc) với giá trị hơn 505 tỉ đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), trong tổng số khối lượng công việc mà TISCO đã nghiệm thu với VINAINCON trị giá hơn 546 tỉ đồng thì VINAINCON chỉ thực hiện công việc trị giá hơn 175 tỉ đồng, còn lại do các nhà thầu phụ khác thực hiện. Qua kiểm tra 3 nhà thầu phụ cho thấy VINAINCON đã chuyển nhượng thầu có thu phí quản lý của các nhà thầu từ 5 - 10% giá trị hợp đồng. Cụ thể, trong hợp đồng với Công ty cổ phần cơ khí xây dựng số 18 có trị giá hợp đồng hơn 14,4 tỉ đồng thì VINAINCON đã hưởng gần 882 triệu đồng phí quản lý (7%); tại hợp đồng với Công ty cổ phần xây dựng 203 có giá trị hơn 13,9 tỉ đồng, VINAINCON đã hưởng phí quản lý gần 698 triệu đồng (5%); tại hợp đồng với Công ty cổ phần thiết bị công nghiệp MAKSTEEL, VINAINCON hưởng phí quản lý hơn 2 tỉ đồng (10%).

Nhiều máy móc thiết bị để ngoài trời đã hư hỏng, rỉ sét

Chuyển hồ sơ cho Bộ Công an làm rõ

Theo TTCP, việc các bên thỏa thuận phân chia gói thầu và hưởng phí là vi phạm quy định hợp đồng EPC, gây thất thoát vốn đầu tư. Để xảy ra sự việc nêu trên có trách nhiệm lớn của Bộ Công thương và Tổng công ty thép VN (VNS) với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ Công thương đã có văn bản giới thiệu và đề nghị VNS và TISCO giao cho VINAINCON làm nhà thầu phụ; có ý kiến theo đề nghị của TISCO ký hợp đồng với các nhà thầu phụ khác theo hình thức hợp đồng đơn giá là không đúng thẩm quyền được giao, vi phạm pháp luật về đầu tư.

TTCP cho rằng sai phạm nêu trên có dấu hiệu hình sự, đặc biệt là việc VINAINCON bán thầu hưởng phí trái luật và việc TISCO, Bộ Công thương "bật đèn xanh" ủng hộ cho những sai trái trên nên đã chuyển hồ sơ tài liệu đến Bộ Công an, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương điều tra làm rõ.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO được khởi động từ năm 2007, dự kiến cuối năm 2011 sẽ hoàn thành. Sau đó đến năm 2012, TISCO có văn bản gửi Bộ Công thương và Chính phủ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỉ đồng, tăng 4.261 tỉ đồng so với mức ban đầu và dự kiến năm 2014 hoàn thành.

Năm 2013, việc dự án đội vốn lên 110,8% đã được các bên liên quan chấp thuận nhưng các nhà thầu, kể cả nhà thầu Trung Quốc và VN, tạm dừng thi công cho đến nay. Đến thời điểm thanh tra, đầu năm 2017, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỉ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỉ đồng... Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ đồng... tức tương đương với tổng mức đầu tư của dự án ban đầu. Do chậm tiến độ quá lâu, hơn 10 năm, nên nhiều thiết bị máy móc đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn