Theo Bloomberg, Triều Tiên không cần nhìn xa để có được hình mẫu hiện đại hoá nền kinh tế cũ kỹ của mình. Những người láng giềng là Trung Quốc và Hàn Quốc đều đã chuyển mình từ những nền kinh tế nông nghiệp thành những trung tâm sản xuất lớn của thế giới và giữa vững vị trí này trong vài thập kỷ qua.
Thế nhưng chính quyền của ông Kim Jong Un vẫn đang tìm kiếm sự tư vấn từ một quốc gia cách xa hàng nghìn cây số, một quốc gia có cùng lịch sử hiềm khích với Mỹ, đó là Việt Nam.
Một cửa hàng tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. |
Ông Kim, người được cho là đã nhắc đến cải cách kiểu Việt Nam trong một cuộc gặp với người đồng cấp phía Hàn Quốc, sẽ có dịp được tận mắt nhìn thấy sự phát triển của Hà Nội khi ông tới dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào cuối tháng 2/2019.
Việt Nam là hình mẫu không chỉ về phát triển kinh tế mà còn về tái hội nhập quốc tế sau quãng thời gian dài bị cấm vận, cô lập và quan trọng hơn là về việc duy trì nguồn năng lượng để phát triển kinh tế.
Một thập kỷ sau chiến tranh, Việt Nam đã đưa ra chính sách Đổi Mới với trọng tâm là xây dựng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” và đưa người Việt thoát khỏi đói nghèo.
Bloomberg cho rằng ông Kim Jong Un sẽ được tận mắt nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam khi đến Hà Nội dự thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: Bloomberg. |
Quốc gia 90 triệu dân đã khuyến khích đầu tư từ nước ngoài, cắt giảm các công ty con ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước và cho phép nông dân chuyển nhượng ruộng đất không canh tác.
Việt Nam đã tiến những bước dài. Hiện quốc gia này đang tham gia hơn 12 hiệp định thương mại tự do và liên tục tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình 6,6% suốt từ năm 2000 tới nay, nâng thu nhập bình quân đầu người trong 18 năm qua từ 400 USD lên 2.600 USD.
Cả hai nước đều từng trải qua chiến tranh với Mỹ. Trong khi Việt Nam đã có những bước hoà giải bằng hành động thiết thực như trao trả tù binh hay hỗ trợ tìm kiếm bĩnh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh, ông Kim cũng bắt đầu có những động thái tương tự.
Khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton gỡ bỏ cấm vận lên Việt Nam vào năm 1994, hai bên đã bước vào quá trình bình thường hoá quan hệ mà Triều Tiên có thể tiếp bước.
Việt Nam và Triều Tiên cũng đều nằm trên những vị trí địa chính trị quan trọng, có tiềm năng lớn về thương mại.
Tỉnh Pyongan (Triều Tiên) giáp Liêu Ninh (Trung Quốc) vào mùa thu hoạch lúa. |
Trong khi Triều Tiên vẫn khép mình với thế giới thì Việt Nam lại cởi mở và chủ động hội nhập vào kinh tế toàn cầu.
Triều Tiên vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ từ Trung Quốc, trong khi Việt Nam duy trì vị thế độc lập về kinh tế với các cường quốc châu Á khác.
Khoảng 90% xuất khẩu của Triều Tiên là vào Trung Quốc. Đây cũng chính là nguồn nhập khẩu lương thực và nhiên liệu quan trọng của Triều Tiên. Trong khi Trung Quốc cũng là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam, tỷ trọng giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ cũng rất lớn.
Khí hậu và địa hình của Việt Nam cũng phù hợp hơn để phát triển ngành nông nghiệp quy mô lớn, trong khi tài nguyên quý giá nhất của Triều Tiên lại nằm dưới lòng đất, đó là trữ lượng than và quặng sắt ước tính trị giá 6.000 tỷ USD hoặc hơn, và tiềm năng hải sản.
Dân số Việt Nam hiện cũng gấp 4 lần so với Triều Tiên và diện tích cũng rộng hơn quốc gia Đông Á 2,5 lần. Cú tăng tốc kinh tế của Việt Nam được châm ngòi bằng giá nhân công rẻ, từ đó tăng trưởng mạnh về sản lượng xuất khẩu trong giai đoạn thương mại toàn cầu bùng nổ. Việc Triều Tiên mở cửa trong tương lai gần sẽ không thuận lợi như vậy khi chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên trên phạm vi toàn cầu.
Theo Bloomberg, tình hình không tốt. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ước tính GDP của Triều Tiên đã giảm 3,5% trong năm 2017, mức giảm mạnh nhất trong hai thập kỷ. Đó là khi mà những lệnh cấm vận chặt chẽ hơn còn chưa có hiệu lực trong năm 2018 khi Trung Quốc cũng buộc phải siết chặt áp lực kinh tế lên Triều Tiên vì sức ép từ cộng đồng quốc tế.
Kinh tế Triều Tiên thực chất mạnh hơn kinh tế Hàn Quốc ở nhiều lĩnh vực trong những năm 1970, tuy nhiên đã nhanh chóng tụt lại phía sau khi nước này nhiều lần thiếu lương thực nghiêm trọng.
Khung cảnh Bình Nhưỡng lúc bình minh. Ảnh: NPR. |
Thu nhập bình quân của Triều Tiên ước tính vào khoảng 1.300 USD, thấp hơn 20 lần so với Hàn Quốc. Dưới thời ông Kim Jong Un, thị trường và các doanh nghiệp tư nhân đã được phép mở rộng và lấp vào những khoảng trống mà các doanh nghiệp Nhà nước để lại.
Nhiều nhà phân tích lạc quan nhận định rằng nhiều khả năng chính quyền Triều Tiên sẽ giảm sự kềm toả kinh tế cùng sự đi lên của các doanh nhân khởi nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân.
Có nhiều lý do để nghi ngờ việc Triều Tiên sẽ học hỏi được từ mô hình phát triển kinh tế của các nước láng giềng.
Ông Kim Jong Un rất ưa chuộng mô hình mà Trung Quốc áp dụng trong thời gian đầu phát triển kinh tế, đó là lập các đặc khu, những khu vực được khuyến khích thương mại và có luật pháp khác biệt như có các chính sách miễn thuế. Ông Kim đã nâng số đặc khu tại Triều Tiên lên con số 27, tăng hơn 5 lần kể từ khi ông kế thừa di sản của cha mình vào năm 2011.
Về phía Hàn Quốc, một đoàn đại biểu cấp cao từ các cheabol, các siêu tập đoàn gia đình đã thúc đẩy kinh tế Hàn Quốc, đã tới thăm Bình Nhưỡng (Triều Tiên) vào năm 2018 và gặp gỡ các quan chức nước này.
Chính quyền của ông Kim chắc chắn không muốn tăng thêm sự phụ thuộc vào Trung Quốc vốn đang rất nặng nề.
Ý tưởng về việc phụ thuộc vào Hàn Quốc cũng không mấy hấp dẫn bởi nền kinh tế nước này phụ thuộc vào một hệ thống mang tính dân chủ, điều mà Triều Tiên không tương đồng.
Theo Zing