|
Hàng loạt hạng mục, thiết bị máy móc trong dự án đắp chiếu, chìm trong cỏ |
35.800 tấn thiết bị lịm trong gỉ sét, hư hỏng
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc triển khai Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO), có nguy cơ gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty gang thép Thái Nguyên ban đầu có tổng mức đầu tư 3.843 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 8.100 tỷ đồng, nhưng đã “đắp chiếu” nhiều năm qua. Hàng nghìn tấn trang thiết bị gỉ sét, hạ tầng đầu tư đã xuống cấp nghiêm trọng…
Theo Thanh tra Chính phủ, đến thời điểm thanh tra, TISCO đã thanh toán cho dự án gần 4.500 tỷ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng... Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỷ đồng. TISCO đã thanh toán cho nhà thầu MCC trên 92% giá trị hợp đồng, nhưng các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành.
Theo ghi nhận của PV ngày 20/2/2019, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên diện tích hàng trăm héc ta tại phường Cam Giá, TP.Thái Nguyên (tỉnh Thải Nguyên) không hoạt động.
Hàng nghìn tấn vật liệu, thiết bị đã lắp đặt và được vận chuyển về trước đó vẫn đắp chiếu. Nhiều thiết bị hoen gỉ, hư hỏng, nằm giữa khuôn viên cỏ mọc um tùm. Tại khu vực xưởng nén khí ni tơ rộng hàng nghìn m2, thuộc Nhà máy cán thép Lưu Xá, nhiều máy móc đã được lắp đặt nhưng chưa hoàn chỉnh, các phân xưởng thi công lắp đặt dở dang. Trong khuôn viên nhà máy, 42 xe tải (loại Howo, gồm 5 phân khúc trọng tải) được phủ kín bạt. Hầu hết nhiều bộ phận các xe tải này đều hư hỏng, hoen gỉ.
Sâu trong Nhà máy cán thép Lưu Xá, đại công trường, các phân xưởng ngổn ngang hệ thống giàn sắt thép lắp đặt dở. Một nhóm công nhân thực hiện thay bạt che mưa chống nắng cho các thiết bị để giữa bãi đất trống. Khu vực lò cao với nhiều thiết bị máy móc hiện đại cũng dở dang, chưa hoàn thiện. Trong khi đó, nhiều nhà xưởng, kho chứa vật liệu như nhà hoang, xuống cấp trầm trọng. Một góc khuôn viên các phân xưởng là nơi để vật liệu, thiết bị đã hư hỏng hoàn toàn. Thậm chí, có khu vực tập kết thiết bị do cỏ dại mọc um tùm được nhân viên bảo vệ... chăn thả dê.
Do dự án đắp chiếu không hoạt động, TISCO xây dựng một nhà kho rộng hàng nghìn m2 để chứa, bảo quản hàng trăm tấn thiết bị điện phục vụ các hạng mục của dự án. Những thiết bị điện này chưa mở niêm phong, xếp theo thứ tự và được lắp đặt hàng chục chiếc điều hòa bảo quản với điều kiện nhiệt độ theo tiêu chuẩn của nhà thầu là 25 độ C. Ngoài ra, một xí nghiệp trực thuộc TISCO cũng là nơi bảo quản, duy trì vận hành 5 đầu máy tải hàng và nhiều xe đầu kéo, rơ moóc chưa một lần sử dụng.
Một cán bộ thuộc TISCO cho biết, tổng số lượng vật tư, thiết bị được đưa về phục vụ dự án lên tới trên 35.800 tấn. Theo quan sát của PV, hàng trăm cán bộ, công nhân viên được TISSCO huy động để bảo trì, bảo vệ tài sản, thiết bị máy móc.
Ai sai sẽ chịu trách nhiệm
Trao đổi với PV ngày 21/2, ông Hoàng Ngọc Diệp cho biết, kết luận của TTCP đã chỉ ra nhiều bất cập trong thực hiện dự án, trong đó có việc chỉ định thầu nhưng không thẩm định năng lực, không lập thiết kế cơ sở để thẩm định phê duyệt. Về việc đội vốn đầu tư cho dự án, ông Diệp cho rằng rất nhiều dự án khác trong quá trình thực hiện triển khai cũng bị đội vốn đầu tư không chỉ Dự án Gang thép Thái Nguyên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các hạng mục chính của gói thầu EPC đều chưa hoàn thành, bị trì trệ dẫn đến hàng loạt thiết bị, vật tư đã đưa về chỉ nằm trong kho. Nhiều hạng mục thi công dở ngổn ngang, hư hỏng.
“Kết luận đã xác định nhiều vi phạm trong quá trình thực hiện dự án và cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục làm rõ. Ai làm sai tới đâu sẽ chịu trách nhiệm tới đó. Tuy nhiên, nếu có nguồn đầu tư trong thời gian tới, tôi nghĩ dự án sẽ đi vào hoạt động tốt và sẽ có hiệu quả tích cực”, ông Diệp nói.
Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, báo cáo tình hình triển khai dự án (giai đoạn 2013-2018) cho thấy, tỷ trọng nợ phải trả trên nguồn vốn chủ sở hữu cao (3,5 lần), khả năng thanh toán thấp. Với cơ cấu vốn tài sản trên thì việc sử dụng nguồn vốn của TISCO chưa hiệu quả, nguồn vốn dài hạn không đủ bù đắp cho dòng tài sản dài hạn đã thực hiện khiến TISCO bị mất cân đối nguồn tiền.
Năm 2013, thiếu hụt 1.006 tỷ đồng, đến năm 2014 thiếu hụt 957 tỷ đồng. Dù giai đoạn 2015-2016 đã khắc phục được tình trạng mất cân đối nguồn vốn và sản xuất có lãi nhưng đến qúy II/2017 TISCO lại rơi tình trạng mất cân đối nguồn vốn 744 tỷ đồng.
Dự án chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng giảm hạn mức cho vay như Ngân hàng TMCP Quân đội giảm 200 tỷ, Ngân hàng BIDV giảm 100 tỷ , Ngân hàng đại chúng dừng cho vay 300 tỷ đồng. Các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất lên 8%/năm khiến TISCO mất cân đối dòng tiền. Các khoản vay của TISCO đầu tư dự án giai đoạn 2 từ Viettinbank VDB đều đã được tái cơ cấu nhiều lần. Ðến nay, các khoản nợ này đều có nguy cơ không trả được. |
Theo Tiền Phong