Kể từ khi Mỹ-Trung bắt đầu áp thuế qua lại lên hàng hóa của nhau, nhiều nhà sản xuất ở Trung Quốc bắt đầu cân nhắc chuyển các dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á vì lo ngại các mức thuế quan cao sẽ làm ảnh hưởng hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Việt Nam trong khi đó nổi lên là một trong những điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư quan ngại về chi phí lao động đang tăng cao ở Trung Quốc cũng như mối đe dọa từ thuế quan.
"Cuộc chiến thương mại đang đẩy nhanh xu thế dịch chuyển các nhà máy khỏi Trung Quốc", ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Mekong Economics tại Hà Nội nhận định.
Công nhân trong một nhà máy cơ khí của Việt Nam. (Ảnh: Reuters) |
Đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp nhẹ bắt đầu bùng nổ từ năm 2018. Từ tháng 4/2018, đăng ký đầu tư vào Việt Nam tăng 81%, nguồn vốn xây dựng các cơ sở sản xuất mới tăng tới 215%. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng 28,8% trong những tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018.
"Xu hướng này được dự đoán sẽ tạo ra xung lực cho quý 3 và quý 4 tới khi mà các nhà máy vừa mới thành lập đang bắt đầu đi vào hoạt động" ông Maxfield Brown, chuyên gia cao cấp của Công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại TP.HCM nhận định.
Theo ông Brown, các nhà đầu tư mang theo tâm thế "đứng xem và chờ đợi" trong năm 2018 đang phải chịu rất nhiều áp lực từ các đối thủ đã dịch chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam từ trước đó vốn đã bắt đầu quen thuộc với thị trường ở quốc gia hơn 90 triệu dân.
Ông này cũng cảnh báo rằng mạng lưới cơ sở hạ tầng, các nhóm lao động và các nhà cung cấp địa phương tại Việt Nam đang bị đẩy đến giới hạn khi đầu tư tiếp tục tăng mạnh tại các trung tâm sản xuất truyền thống quanh TP.HCM và Hà Nội.
Mỹ mới đây thông báo sẽ áp đặt mức thuế quan mới lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% vào 10/5, thổi bùng lên căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã hạ nhiệt đáng kể trong nhiều tháng qua. Quyết định mới của Mỹ làm dấy lên các mối quan ngại về viễn cảnh cuộc chiến thương mại tưởng như sắp kết thúc sẽ tiếp tục kéo dài.
Ông McCarty cho rằng nếu kịch bản này xảy ra, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi mặc dù một số hoạt động giao thương với Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng. Một số công ty Việt Nam được Trung Quốc thuê là nơi lắp ráp cho hàng hóa của họ cũng sẽ phải chịu ít nhiều thiệt hại.
Nhà máy sản xuất máy biến áp tại Việt Nam. (Ảnh: EPA) |
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital tại Hà Nội cảnh báo rằng trong khi các khoản đầu tư vẫn đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, quy mô dân số chưa đến 100 triệu người của Việt Nam, tương đương với thành phố Quảng Đông của Trung Quốc sẽ đặt ra các giới hạn về khả năng hấp thụ các khoản đầu tư.
"Hãy luôn nhớ rằng Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới. Nhưng tôi nghĩ, xu hướng các công ty Trung Quốc đang dịch chuyển sang các nước khác, trong đó Việt Nam đang tăng lên", ông này cho hay.
Theo các số liệu thống kê, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 7% trong năm 2018, mức tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua. 19 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng này.
Theo VTC