Năm 2013, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam đạt khoảng 2,6 triệu tỷ đồng. Đến năm 2017, sức mua của toàn thị trường đã tăng tới 51%, đạt hơn 3,9 triệu tỷ đồng.
Trong 5 năm gần nhất, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ Việt đều đạt bình quân trên 10%/năm.
Theo cơ quan quản lý, thị trường bán lẻ hiện chia ra làm 8 phân khúc với sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới. Các phân khúc lớn như đại siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến...
Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam gần đây, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết doanh nghiệp ngoại hiện có nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt chính là Central Group (Thái Lan).
Theo đó, tập đoàn này đang có mặt hàng loạt phân khúc từ lớn nhất là đại siêu thị với hệ thống BigC; trung tâm thương mại Robins; siêu thị với chuỗi Lan Chi Mart; siêu thị điện máy Nguyễn Kim; cửa hàng tiện lợi C-Express; cùng hàng loạt cửa hàng nhỏ lẻ khác Marks & Spencer; Komonoya; New Balance; Fila; Mizuno…
BigC là chuỗi bán lẻ mô hình đại siêu thị lớn nhất Việt Nam hiện nay. |
Thực tế, hiếm doanh nghiệp ngoại nào sở hữu nhiều phân khúc bán lẻ như Central Group.
Hiện tại, tập đoàn này đang vận hành và quản lý hơn 200 trung tâm mua sắm, cửa hàng trên toàn quốc, 2 kênh bán hàng trực tuyến. Cụ thể, trong đó gồm 2 trung tâm thương mại, 35 đại siêu thị, 25 siêu thị, 55 siêu thị điện máy…
Thị trường duy nhất Central Group đang lép vế là cửa hàng tiện lợi khi C-Express chưa có được độ phủ cần thiết như chuỗi Circle K, Bách Hóa Xanh hay Vinmart+...
Để trở thành doanh nghiệp bao trùm nhiều phân khúc bán lẻ nhất thị trường Việt, Central Group đã phải chi tới 5,5 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2018, số tiền không nhiều đại gia có thể đầu tư. Central Group cũng không phải doanh nghiệp Thái duy nhất có tham vọng trong lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam.
Hệ thống siêu thị Metro là chuỗi phân phối mô hình đại siêu thị lớn nhất tại Việt Nam xét theo quy mô mỗi điểm bán. Trong niên độ tài chính 2014-2015, doanh thu của chuỗi này đạt hơn 13.500 tỷ đồng.
Từng thuộc sở hữu của các ông chủ người Đức, tuy nhiên, tháng 1/2016, chuỗi siêu thị Metro đã được bán lại cho Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan với giá 655 triệu Euro, tương đương 16.000 tỷ đồng.
TCC Holdings chính là công ty con thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, người đồng thời đang là ông chủ lớn nhất tại Bia Sài Gòn.
Sau khi về tay người Thái, Metro đã được đổi tên thành Mega Market Việt Nam nhưng vẫn duy trì mô hình đại siêu thị với 19 trung tâm hoạt động.
Số liệu tài chính gần nhất mà công ty này công bố cho biết năm 2016, toàn hệ thống đạt 11.700 tỷ đồng doanh thu, nhưng lỗ ròng 110 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân thua lỗ nhiều năm, lãnh đạo hệ thống này cho biết công ty vẫn đang trong giai đoạn mở rộng đầu tư. Trong đó, để có thể duy trì mô hình đại siêu thị mỗi trung tâm của Mega Market phải chi ra khoảng 300-400 tỷ đồng đầu tư ban đầu.
Ngoài các doanh nghiệp đến từ Thái Lan, thị trường bán lẻ Việt còn nhiều cái tên ngoại đáng chú ý như Aeon, Lotte, Circle K, 7-Eleven… Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chủ yếu chỉ tập trung ở 1-2 phân khúc cố định.
Aeon của Nhật Bản tập trung chính vào phân khúc trung tâm thương mại, hiện vận hành 4 trung tâm tại TP.HCM và Hà Nội, cùng 1 trung tâm đang xây dựng tại Hà Đông (Hà Nội).
Năm 2017, doanh thu tăng mạnh tới hơn 30% nhưng chuỗi này mới chỉ đạt 5.136 tỷ đồng, kém xa doanh thu của BigC hay Mega Market.
Bên cạnh trung tâm thương mại, Aeon còn sở hữu chuỗi siêu thị Citimart và trước đây là Fivimart (đã được bán cho Vingroup). Ngoài ra, tập đoàn này còn cùng đối tác Sojitz sở hữu chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop, nhưng số lượng hiện vẫn rất hạn chế.
Đại diện bán lẻ Hàn Quốc nổi tiếng nhất Việt Nam hiện nay là Lotte. Nhưng hệ thống này mới mở được 1 trung tâm thương mại Lotte Center, cùng 15 siêu thị Lottemart trên cả nước.
Doanh thu cùng năm 2017 của toàn hệ thống cũng mới chỉ đạt 5.268 tỷ đồng, xấp xỉ Aeon Việt Nam.
Mới nhất, Tập đoàn bán lẻ Auchan của Pháp đã phải bán lại toàn bộ 18 siêu thị cùng tên tại Việt Nam cho Saigon Co.op và rút lui khỏi thị trường khi không còn tìm thấy cơ hội cạnh tranh. Auchan rời đi cũng là hệ thống siêu thị phương Tây cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Trước đó Casino Group bán lại BigC vào năm 2016.
Khi các nhà bán lẻ nước ngoài khác tỏ ra yếu thế trước các đại gia Thái Lan, các nhà phân phối Việt đang nổi lên trở thành đối trọng xứng đáng với hàng loạt thương vụ mua bán và mở rộng.
Doanh nghiệp mua lại chuỗi Auchan chính là Saigon Co.op, thương hiệu bán lẻ lớn nhất nhì nội địa. Tính đến cuối quý I năm nay, hệ thống này đang quản lý 110 siêu thị, 4 đại siêu thị, 3 trung tâm thương mại và hơn 450 cửa hàng Co.op Food và Co.op Smile...
Trong năm gần nhất (2018), toàn hệ thống Saigon Co.op đạt hơn 30.000 tỷ đồng doanh thu, trong đó riêng công ty mẹ Saigon Co.op đóng góp hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Vincommerce, công ty con của Vingroup đang nổi lên như một thế lực lớn trong ngành bán lẻ sau hàng loạt thương vụ mua bán.
Vincommerce chính là đơn vị mua lại chuỗi siêu thị Ocean Mart hồi năm 2014, đồng thời chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Nam, tiếp quản hệ thống 23 siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A.
Cũng chính công ty này đã đứng ra nhận lại 87 cửa hàng tiện lợi Shop&Go với giá 1 USD, sau khi chủ cũ chuỗi này - Công ty Cổ phần Cửa hiệu và Sức sống - bỏ cuộc vì không chịu nổi thua lỗ.
Hiện tại, Vingroup đang vận hành và quản lý 69 trung tâm thương mại Vincom; hơn 100 siêu thị VinMart; 1.700 cửa hàng VinMart+ và 58 siêu thị điện máy…
Trong năm 2018, doanh thu từ bán hàng tại các siêu thị và chuỗi bán lẻ mang về cho Vingroup là 19.333 tỷ đồng, tăng 48% so với năm trước đó, và là mảng kinh doanh lớn thứ 2 của tập đoàn này chỉ sau bất động sản.
Theo Zing