Các loại nấm Hàn Quốc được bày bán tại một siêu thị ở Q.Gò Vấp, TP.HCM |
“Ép” nhà cung cấp nội địa
Nếu hàng Việt cứ vắng dần ở các chuỗi bán lẻ lớn thì sản xuất cũng mất luôn lợi thế trên sân nhà Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn chiến lược Tinh Hoa Quản Trị |
BigC VN tối 2.7 đột ngột ra thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại VN, rồi ngưng thu mua luôn vào sáng hôm sau (3.7) khiến hàng trăm doanh nghiệp (DN) Việt chới với.
Chiều 3.7, gần 100 nhà cung cấp hàng may mặc cho chuỗi siêu thị này đã căng băng rôn phản đối trước trụ sở Central Group VN (nhà đầu tư Thái, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC VN) với lo ngại bị phá sản. Sau đó, BigC VN đã phát thông cáo báo chí cho biết đang “xem xét” đến 4.000 nhà cung ứng hàng hóa Việt cho hệ thống, ngành may mặc chỉ có khoảng 200 DN trong số 4.000 DN này. Mục đích hệ thống đang tái cấu trúc các ngành hàng, phát triển các thương hiệu mới…
Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì, các DN đang bán hàng may mặc cho BigC VN đều không đồng ý bởi việc ra thông báo kết hợp ngưng lấy hàng luôn, không có khoảng thời gian để DN “trở tay” là cách làm không chuyên nghiệp của nhà phân phối ngoại.
Hàng Thái trưng bày tại khu vực trung tâm siêu thị MM Mega Market |
Ông Phan V. Đăng, đại diện một DN may mặc, nói: “Chúng tôi không đòi hỏi họ phải ký hợp đồng lại hay phải tiếp tục mua hàng, nhưng làm ăn phải cho nhau “độ lùi” cần thiết, báo trước cho DN dăm ba tháng. Tháng 6 hết hợp đồng, vẫn gọi chúng tôi lên đàm phán và đặt hàng, DN tiếp tục nhập vải về làm theo thiết kế của siêu thị. Rồi qua tháng 7 bảo ngưng lấy là ngưng luôn. Làm ăn kiểu thời nào vậy?”.
Một DN làm hàng may mặc (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho biết đã được tái ký hợp đồng cung cấp hàng cho BigC VN trong tháng 6 vừa qua nhưng cũng bị ngưng lấy hàng từ ngày 3.7 như các DN chưa tái ký. Đại diện DN này nhấn mạnh: “Nếu cạnh tranh lành mạnh thì BigC cứ mang hàng Thái qua bán cùng với hàng Việt. Chính người tiêu dùng sẽ tự biết lựa chọn cái họ cần mới là công bằng. Chứ dẹp 100% hàng Việt để bán hàng khác là đã dùng “chiêu trò” với DN rồi. Thứ hai, có một vũ khí mềm để loại hàng Việt là đưa ra mức chiết khấu cho mỗi nhà khác nhau. Cao đến mức DN không chịu nổi thì tự buông, coi như từ bỏ cuộc chơi chính nhà bán lẻ đưa ra mà phần thiệt luôn đổ cho nhà cung cấp”.
|
DN căng băng rôn phản đối BigC vào chiều 3.7 |
Thay hàng Việt trên các quầy kệ
Phân phối đi trước, hàng hóa theo sau là việc tất yếu. Thế nên, khi các đại gia bán lẻ nước ngoài tràn vào nội địa, nhiều người đã lo lắng hàng hóa trong nước có thể mất chỗ đứng ngay tại chính sân nhà.
Khảo sát các siêu thị ngoại tại TP.HCM trong 2 ngày nay, ngay cổng chính vào siêu thị MM Mega Market (Metro cũ) là khu hàng hóa được trưng biển “Hội chợ hàng Thái”. Hàng trăm sản phẩm khác nhau được bày bán từ gạo, mì gói, các loại gia vị như tương ớt, tương cà, nước tương, bún gạo khô đến xà phòng, nước giặt, nước xả vải, nước rửa chén, khăn giấy, sữa đặc có đường… đều từ Thái mang sang.
Không chỉ riêng ở khu vực này, các sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan hầu như được bày bán chính tại nhiều khu vực khác. Trên quầy hóa mỹ phẩm, các nhãn hiệu quen thuộc của các công ty đa quốc gia đã có sản xuất ở VN, nhưng ở đây hàng nhập khẩu từ Thái Lan nhiều. Chẳng hạn, dầu gội, sữa tắm Pantene, Rejoice, Head & Shoulder đều là hàng Thái. Bia Chang nổi tiếng của Thái được xếp kín kệ. Kế đó là bia nhập từ Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech...
Nhãn hàng nước mắm riêng của MM Mega Market |
Đặc biệt quầy mì gói và gia vị, nước chấm ở các siêu thị khác đa phần là hàng sản xuất tại VN thì ở đây, hầu như sản phẩm nội hoàn toàn vắng bóng. Thậm chí sản phẩm nước mắm và mắm nêm vốn được xem là “quốc hồn quốc túy” của VN cũng được nhập khẩu từ Thái Lan nhiều nhãn hiệu khá lạ với người tiêu dùng trong nước. Đó là chưa tính có nhiều sản phẩm mang nhãn hàng riêng của MM Mega Market đặt gia công ở nhiều đơn vị khác cũng đang được bày bán phổ biến tại đây. Thậm chí, hàng rau củ tuy trồng tại Đà Lạt, nhưng cũng được đóng theo nhãn mác riêng của MM Mega Market.
Tương tự, tại siêu thị Lotte Mart (Q.11, TP.HCM), hàng nhập các nước được bày riêng dãy dài kệ trên tầng 2 với khu vực hàng quốc tế (International Zone), đa số từ các nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Kín các kệ là mì gói, bánh, snack, nước ép đóng lon, gia vị… của Hàn Quốc. Các quầy bán hóa mỹ phẩm khá nhiều nhãn hàng dầu gội, sữa tắm cho đến giấy lau, giàn phơi áo quần, cây lau nhà, nước rửa chén, nước lau sàn đến bịch hút ẩm cũng từ Hàn Quốc.
Tại BigC ở Q.10 (TP.HCM), siêu thị này không “cắt đặt” khu vực riêng chuyên bán hàng các nước châu Á (như Aeon của Nhật), chuyên bán hàng Thái (như MM Mega Market của Thái) hay khu vực quốc tế (như Lotte của Hàn Quốc). Tuy nhiên, nằm trên các quầy kệ của tất cả các mặt hàng, đều có sự hiện diện hàng nhập từ các nước. Hàng hóa là hóa mỹ phẩm, nước xả, nước thơm, me Thái, miến khô, bún khô... nhập từ Thái khá phong phú.
Khu vực bán hàng nhập của LotteMart |
Ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty tư vấn chiến lược Tinh Hoa Quản Trị, nhận định khi hàng Việt không còn xuất hiện ở những hệ thống BigC, MM Mega Market... thì bản thân các DN mất đi doanh thu đáng kể đồng thời mất giá trị về thương hiệu. Bởi thương hiệu xuất hiện trong các hệ thống siêu thị lớn sẽ mang lại uy tín cao hơn là chỉ bán ở các chợ truyền thống.
“Kênh bán lẻ nội địa mà mất thì sẽ dẫn đến không chỉ sản xuất nhỏ mà sản xuất lớn trong nước cũng sẽ bị thua luôn. Vì không vào được kênh để bán, còn tự tổ chức kênh thì chi phí cao, kém hiệu quả. Sản phẩm tốt mà không có kênh bán lẻ thì cũng chịu. Hai khâu cung cấp hàng hóa - bán lẻ này có mối liên quan mang tính chiến lược với nhau. Đa số các tập đoàn bán lẻ lớn và các nhà sản xuất hàng hóa tiêu dùng lớn đều có những thỏa thuận chiến lược ở tầm toàn cầu, hoặc ít ra là khu vực. Liên kết chiến lược này, không chỉ đối với ngành bán lẻ hàng tiêu dùng, mà là tất cả các ngành hầu hết đều vậy (xe hơi, tàu thủy, máy bay, giải khát...). Nếu hàng Việt cứ vắng dần ở các chuỗi bán lẻ lớn thì sản xuất cũng mất luôn lợi thế trên sân nhà”, ông Đỗ Hòa nhấn mạnh.
BigC cam kết mở lại đơn hàng với các doanh nghiệp dệt mayTại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4.7 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết sáng cùng ngày bộ này đã làm việc với Central Group - tập đoàn mẹ sở hữu BigC tại Thái Lan, và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thái Lan, liên quan việc hệ thống này từ chối nhập hàng dệt may VN.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: “Tập đoàn Central Group cho biết đang có chiến lược mới cho mặt hàng dệt may tại VN, họ đang sắp xếp lại hệ thống nên tạm dừng mua hàng của DN VN khoảng 15 ngày. Tập đoàn đã gửi thư cho các nhà cung ứng, giải thích việc ngừng mua là tạm thời, các đơn hàng đã ký trước đó vẫn thực hiện”.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công thương, kết thúc cuộc họp, BigC đã cam kết ngay trong hôm nay sẽ mở đơn hàng cho 50 trong tổng số 200 nhà cung cấp của VN.
Trong 2 tuần tới sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, sẽ có thêm khoảng 100 nhà cung cấp nữa được mở lại, 50 nhà cung cấp còn lại sẽ làm việc kỹ hơn về việc một số DN chưa đáp ứng được các quy định cam kết theo hợp đồng đã ký.
Ngoài ra, Central Group cũng đã ký với Hiệp hội Dệt may VN một bản hợp đồng nguyên tắc, nếu có bất kỳ vấn đề gì hiệp hội sẽ đứng ra giải quyết, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ với vai trò pháp lý.
|
Theo Thanh Niên