Trước đó, báo cáo của Bộ GTVT về hoạt động của các dự án BOT cho biết, trong số 61 dự án BOT do Bộ quản lý có 25 dự án doanh thu thực tế thấp hơn dự báo, 37 dự án BOT phải tăng phí trong năm nay, 12 dự án tiếp tục tăng phí trong giai đoạn 2020 - 2021, số còn lại tiếp tục tăng phí sau năm 2021.
Theo Bộ GTVT, nếu không tăng phí hàng chục trạm BOT đúng lộ trình từ nay đến 2021, sẽ có 9 trạm BOT bị phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp BOT có nguy cơ phá sản và nhà nước phải bỏ 3.000 tỉ đồng để hỗ trợ.
Kiến nghị về giải pháp tháo gỡ cho các dự án BOT, Bộ Xây dựng cho rằng việc thực hiện các dự án BOT hiện nay cần tính tới điều khoản đã ký kết trong các hợp đồng BOT giữa nhà nước và tư nhân, các quy định pháp luật về hợp đồng.
Trạm BOT trên quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang đang đòi "trả lại" vì doanh thu thua lỗ. |
Trong hai phương án Bộ GTVT đề xuất Chính phủ để giải cứu các dự án BOT sụt giảm doanh thu, tránh nguy cơ doanh nghiệp dự án phá sản, theo Bộ Xây dựng cần đánh giá cụ thể từng dự án BOT. Theo đó, Bộ GTVT cần gỡ vướng cho dự án theo hướng không bố trí, sử dụng ngân sách nhà nước và bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng, tính minh bạch, bền vững và hiệu quả của các dự án BOT.
Với việc tăng phí của các trạm BOT, theo Bộ Xây dựng, Bộ GTVT cần tăng đúng lộ trình từ nay đến 2021, tránh việc tăng phí quá nhiều trạm BOT trong năm 2019. Bộ GTVT nên đàm phán với các nhà đầu tư theo hướng chỉ tăng phí những trạm sụt giảm doanh thu lớn.
Bộ Xây dựng cũng lưu ý Bộ GTVT cần đánh giá kỹ tác động của việc hoãn tăng phí và giãn thời gian thu phí tối đa đối với các dự án BOT.
Theo VTC