BigC Việt Nam kinh doanh tụt dốc từ khi về tay đại gia Thái

Thứ năm, 04/07/2019, 17:06
Chủ tịch Central Group khẳng định Việt Nam là thị trường chủ lực của tập đoàn, nhưng hoạt động kinh doanh của chuỗi siêu thị BigC Việt Nam mấy năm qua lại không quá nổi bật.

Khởi đầu từ một cửa hàng bách hóa cạnh ngôi đền lớn của Hoàng gia Thái Lan, nay Central Group là tập đoàn gia đình nổi tiếng hoạt động trong nhiều lĩnh vực như bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng. Hiện tập đoàn này có mặt tại 9 quốc gia, gồm Italy, Đức, Đan Mạch, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Maldives và Sri Lanka.

Việt Nam là thị trường chủ lực của Central Group

Xét riêng giai đoạn 2013-2017, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 340%, đem về 13% doanh thu cho tập đoàn. Trong khi đó, doanh thu từ thị trường Thái Lan chiếm 72%, châu Âu chiếm 15%. Ông Tos Chirathivat - Chủ tịch tập đoàn, đánh giá Việt Nam là thị trường chủ lực của Central Group.

Ở Việt Nam, Central Group hoạt động 5 mảng chính, gồm trung tâm thương mại, nhà hàng, thời trang, điện tử và thương mại điện tử. Trong đó, chuỗi siêu thị BigC là một mảng nổi bật của tập đoàn này tại Việt Nam.

Cam kết "giá rẻ mỗi ngày" giúp BigC Việt Nam thu hút người tiêu dùng, nhưng cũng khiến chuỗi siêu thị này khó chiều lòng những khách hàng khó tính. (Ảnh: BigC Cần Thơ).

Tos Chirathivat là nhân vật quan trọng đứng sau việc xây dựng BigC Bangkok năm 1994, mở đường cho mô hình đại siêu thị ở Thái Lan. Tuy nhiên, đến năm 1997, sau khủng hoảng tài chính, tập đoàn Casino (Pháp) đã mua lại một lượng lớn cổ phần của BigC Bangkok, đồng thời dần tiếp quản nhiều chuỗi siêu thị BigC ở các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Tháng 4/2016, Central Group thoái toàn bộ cổ phần tại BigC Thái Lan để mua lại BigC Việt Nam từ tay Casino. Tổng giá trị giao dịch lên đến 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Đáng tiếc, từ khi về tay đại gia Thái, hoạt động kinh doanh của BigC không mấy khả quan.

BigC vốn là một trong những mô hình chuỗi đại siêu thị đầu tiên và lớn nhất Việt Nam với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng đều đặn qua các năm. Cam kết “giá rẻ mỗi ngày” giúp BigC dễ dàng có được cảm tình từ người tiêu dùng, không khó bắt gặp hình ảnh hàng dài người xếp hàng đợi thanh toán tại các siêu thị thuộc chuỗi này.

Doanh thu và lợi nhuận liên tục đi xuống

Hiện tại, các doanh nghiệp chủ chốt của hệ thống BigC Việt Nam như BigC Thăng Long (gồm các siêu thị ở Hà Nội), BigC An Lạc (gồm một số siêu thị ở TP.HCM), BigC Hải Phòng (gồm BigC Bắc Giang, Đà Nẵng, Ninh Bình, Phú Thọ, Hạ Long), BigC Bình Dương và BigC Đồng Nai đều ghi nhận mức doanh thu tụt giảm hoặc đi ngang.

BigC Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống BigC - đạt mức đỉnh doanh thu 3.500 tỷ đồng vào năm 2012, nhưng sau đó nhanh chóng tụt giảm còn khoảng 2.700 tỷ đồng trong các năm 2016, 2017.

Tương tự, doanh thu của BigC An Lạc từ mức 2.600 tỷ đồng năm 2012 cũng giảm 50% xuống còn 1.300 tỷ đồng trong năm 2017.

Trước tình hình đó, lợi nhuận của các hệ thống này cũng lần lượt sụt giảm. BigC Thăng Long dù đã có lãi 193 tỷ đồng năm 2017, đây là mức thấp so với 211 tỷ đồng năm 2015.

Trong khi đó, năm 2017 BigC An Lạc mất 50% lợi nhuận so với năm 2015, chỉ còn 92 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp chủ chốt thuộc hệ thống BigC Việt Nam liên tục tụt giảm doanh thu và lợi nhuận các năm qua.

BigC tụt dốc, nhiều chuỗi siêu thị khác như Co.op Mart, Aeon Mall, Lotte Mart vẫn không ngừng tăng trưởng, cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường bán lẻ.

Mô hình siêu thị ở Việt Nam được dự báo tăng trưởng 14%/năm trong giai đoạn 2017-2022, vượt qua các quốc gia mới nổi khác như Ấn Độ, Philippines, hay cả thị trường lớn như Trung Quốc, theo báo cáo của IDG. Cơ quan này nhận định, điểm khác biệt của thị trường siêu thị Việt Nam so với các quốc gia kể trên là sự tăng trưởng chủ yếu đến từ doanh nghiệp ngoại.

Chia sẻ với báo giới hồi đầu năm 2018, ông Tos Chirathivat cho biết sẽ đầu tư tổng cộng 200 tỷ baht (tương đương 152.000 tỷ đồng) trong 5 năm từ 2018-2022 trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường Việt Nam, với kỳ vọng nâng tổng doanh thu lên gấp đôi, đạt 800 tỷ baht (tương đương 608.000 tỷ đồng), trong đó Việt Nam đem về 20% tổng doanh thu này.

Hiện tại, BigC Việt Nam đang lên kế hoạch tái cấu trúc việc kinh doanh ngành hàng may mặc, trong đó tạm ngưng mua hàng từ các doanh nghiệp may mặc Việt Nam để xem xét lại. Điều này khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, lên tiếng đòi tẩy chay chuỗi siêu thị này.

Trao đổi với PV, đại diện Central Group Việt Nam cho biết việc tái cấu trúc chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng hàng hóa buôn bán tại BigC. Thay vì chỉ tập trung vào phân khúc giá rẻ như thời gian qua, BigC sẽ làm việc lại với các đơn vị sản xuất để cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích