Siêu thị Việt muốn mua hàng may mặc từ nhà cung cấp của BigC

Thứ sáu, 05/07/2019, 10:47
Một số đơn vị cung cấp hàng may mặc cho biết đã có nhiều hệ thống bán lẻ Việt Nam ngỏ ý thu mua sản phẩm của họ khi BigC tạm ngừng nhập nhằm ủng hộ hàng Việt.

Đối với nhiều đơn vị sản xuất, gia công hàng may mặc Việt Nam, doanh thu từ BigC chiếm tỷ trọng cao hơn hẳn các hệ thống phân phối khác. Chủ một doanh nghiệp cho biết 80-90% sản phẩm do công ty của bà sản xuất là dành cung cấp cho BigC.

Trước thông báo tạm thời ngừng nhập hàng của chuỗi siêu thị này, hàng trăm nhà cung cấp rơi vào tình thế nguy khốn khi hàng đã sản xuất mà không tìm được nơi tiêu thụ.

Không kỳ vọng nhiều khi BigC mở lại đơn hàng

“Ngoài công nhân may, chúng tôi còn làm việc với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, in ấn. Rất nhiều bên tham gia để tạo nên 1 sản phẩm quần áo và chúng tôi hợp tác với nhau 20 năm rồi chứ đâu phải ít”, chị Hương - Giám đốc Công ty Khang Thành, một đơn vị cung cấp của BigC, chia sẻ về nỗi lo mất uy tín với người lao động và các đối tác.

“Ở vị trí nhà cung cấp, không ai muốn xích mích với siêu thị. Phải đấu tranh hay có phản ứng với siêu thị như thế này là điều không mong muốn. Nhưng bởi vì các anh em công nhân, những người đã gắn bó với nhà cung cấp mười mấy năm, nên chúng tôi phải ra mặt bảo vệ cho họ và gia đình”, chị Dung - một nhà cung cấp lâu năm khác của BigC tâm sự.

Các đơn vị cung cấp hàng may mặc Việt Nam không quá vui mừng khi BigC hứa mở lại đơn hàng.

Sáng 4/7, sau buổi làm việc trực tiếp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Central Group - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC, đã mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay trong ngày. Dự định sau đó nhiều nhất 2 tuần, Central Group sẽ tiếp tục làm việc và mở hợp đồng với 100 doanh nghiệp nữa. 50 trong tổng số 200 nhà cung cấp của BigC sẽ bị buộc dừng hợp tác.

Trước thông tin này, một số nhà cung cấp cho biết họ không mấy kỳ vọng.

“Chỉ mở đơn hàng thì chưa nói được gì. Các nhà cung cấp cho siêu thị đều sống nhờ chương trình khuyến mãi, được đăng trên các catalogue của BigC. Nếu BigC chỉ mở đơn hàng theo đúng cam kết trong hợp đồng đã lỡ ký chứ không cho chạy khuyến mãi thì số lượng hàng tồn kho được giải quyết cũng không nhiều”, chị Dung trao đổi.

Nhà cung cấp này còn nêu dẫn chứng, siêu thị chỉ cam kết tiêu thụ 1/3 số lượng đơn hàng, 2/3 còn lại phụ thuộc vào sức mua của người tiêu dùng. Nếu hàng được đưa vào chương trình khuyến mãi nhưng đơn vị cung cấp không đáp ứng được số lượng khách hàng yêu cầu thì BigC sẽ chiếu theo hợp đồng để phạt. Do đó, nhà cung cấp nào cũng sản xuất gấp 2-3 lần so với cam kết.

Hiện tại, giá trị hàng tồn kho của các nhà cung cấp lớn có thể lên đến 20-30 tỷ đồng, các nhà cung cấp nhỏ hơn khoảng 5-10 tỷ đồng.

“Tôi chỉ mong có công việc cho anh em công nhân. Nếu không muốn hợp tác, họ phải xây dựng lộ trình từ 6 tháng để tôi kịp giải quyết hàng tồn và công nhân của tôi có thời gian tìm công việc mới”, chị nêu rõ.

Nhà cung cấp đồ may mặc cho BigC: Hàng tồn giá trị đến cả 20 tỷ BigC hứa nhập lại hàng may mặc Việt từ 50 đối tác nhưng các nhà cung cấp vẫn "không hy vọng nhiều". Họ cho biết giá trị hàng tồn đọng của mỗi nhà cung cấp lên đến hàng chục tỷ.

Hệ thống siêu thị Việt mời hợp tác

Trước thông báo của BigC, một số nhà cung cấp cho biết đã được nhiều hệ thống siêu thị nội địa liên hệ mời hợp tác.

“Họ sẵn sàng hỗ trợ ký hợp đồng với tôi để đưa hàng vào bán và kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, ủng hộ doanh nghiệp Việt. Họ bảo tôi hợp tác để tránh tổn thất, mong muốn hỗ trợ khi khó khăn”, chị Dung cho biết.

Trao đổi với PV, chị khẳng định các hệ thống này không o ép nhà cung cấp và đồng ý mua hàng với các điều khoản tương tự BigC.

Các nhà cung cấp khác cũng nhận định, trước kia BigC chỉ tăng chiết khấu 0,25-0,5%/năm, các chuỗi siêu thị khác cũng tăng tối đa 0,5%. Tuy nhiên, đối với hợp đồng năm 2019, mức chiết khấu mà BigC đề nghị tăng cao đột biến. Một số nhà cung cấp chịu thêm khoảng 1% chiết khấu, thậm chí mức tăng này ở các đơn vị gia công thương hiệu riêng cho BigC lên đến 5%.

“Chưa có một tiền lệ nào kinh khủng như vậy”, chị Dung chia sẻ. “Nhiều người cho rằng chất lượng hàng Thái tốt hơn, nhưng trước khi được như vậy họ cũng phải trải qua thời kỳ khó khăn như chúng tôi hiện tại. Phải được người tiêu dùng chấp nhận và ủng hộ thì chúng tôi mới phát triển được”.

Các đơn vị cung cấp hàng may mặc cho chuỗi siêu thị BigC mong muốn nhận được sự chấp nhận và ủng hộ của người tiêu dùng.

Hiện tại, PV đã liên hệ một số chuỗi siêu thị Việt Nam để xác nhận thông tin nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trước đó, trao đổi với PV, đại diện Central Group Việt Nam cho biết việc tái cấu trúc chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng hàng hóa buôn bán tại BigC. Thay vì chỉ tập trung vào phân khúc giá rẻ như thời gian qua, BigC sẽ làm việc lại với các đơn vị sản xuất để cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng.

Tại Việt Nam, Central Group nổi lên sau thương vụ mua lại chuỗi siêu thị BigC năm 2016 với giá 1,05 tỷ USD. Đại gia bán lẻ Thái Lan cho biết hiện có khoảng 17.000 nhân viên tại Việt Nam, phục vụ khoảng 175.000 khách hàng mỗi ngày.

Tại BigC, chuỗi siêu thị này có hơn 4.000 nhà cung cấp Việt Nam. Hiện tại BigC đang trong quá trình xem xét với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc.

Theo văn bản do Tổng giám đốc Central Group Việt Nam ký được gửi đi ngày 2/7, BigC sẽ tạm ngưng đặt hàng của các nhà cung cấp hàng may mặc theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.

“Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại”, thông báo của Central Group Việt Nam nêu rõ.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích