“Đại gia” game Nhật chuyển một phần sản xuất máy trò chơi từ Trung Quốc sang Việt Nam

Thứ ba, 09/07/2019, 10:04
Nintendo có kế hoạch sản xuất khoảng 18 triệu máy trò chơi trong năm tài khóa 2019. Việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam sẽ khiến cho sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm tương ứng.

Ảnh: Xatara

Công ty Nintendo của Nhật sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi trò chơi thế hệ thứ 8 Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo tin từ Nikkei.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đe dọa tác động xấu đến hoạt động sản xuất thiết bị trò chơi này.

Hiện tại, phần lớn máy trò chơi của Nintendo được sản xuất tại Trung Quốc bởi nhiều nhà sản xuất theo hợp đồng như Hon Hai Precision Industry hay còn được biết đến với cái tên Foxconn. Nhà máy của họ tại Việt Nam sẽ đảm nhiệm hoạt động sản xuất này trong vòng vài tháng tới.

Năm tài khóa 2018, khoảng 17 triệu máy trò chơi của Nintendo được sản xuất ra. Trong số này khoảng 40% được bán tại Mỹ – thị trường lớn nhất của Nintendo tính theo doanh số.

Nintendo đã không ngừng tìm cách né tránh rủi ro thuế quan bởi thuế cao đồng nghĩa với hoạt động của công ty cũng như chính khách hàng của công ty sẽ chịu tác động nghiêm trọng. Nintendo có kế hoạch sản xuất khoảng 18 triệu máy trò chơi trong năm tài khóa 2019. Việc mở rộng sản xuất ở Việt Nam sẽ khiến cho sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm tương ứng.

Giá của một bộ máy trò chơi Switch tại Mỹ có giá khoảng 300USD. Thế nhưng giá bán đó sẽ tăng đến vài chục USD nếu Nintenđo chuyển hết phần chi phí đội thêm khi Mỹ tăng thuế lên 25% với hàng Trung Quốc. Máy trò chơi này hiện đang không phải chịu thuế nhập khẩu vào Mỹ.

Trong các cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng 6/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại song phương, kế hoạch tăng thuế của Washington tạm thời đã được hoãn lại. Nhiều nhà sản xuất trên khắp thế giới vẫn tiếp tục lo lắng rằng xung đột sẽ kéo dài, nhiều nhà quản lý buộc phải thay đổi chiến lược sản xuất quá nhiều tại Trung Quốc.

Công ty sản xuất các thiết bị điện tử Sharp cũng muốn chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam với nhiều sản phẩm nhắm đến thị trường Mỹ. Ricoh trong khi đó chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất sang Thái Lan. Việc Mỹ tăng thuế lần thứ 4 sẽ có thể khiến cho giá bán lẻ của nhiều loại sản phẩm điện tử tăng lên.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn