Căng thẳng thương mại đang tạo thuận lợi cho những cổ phiếu khu công nghiệp nào?

Thứ tư, 10/07/2019, 11:07
Theo đánh giá của CTCK Rồng Việt, xu hướng dịch chuyển sản xuất vẫn sẽ duy trì vào tạo ra thuận lợi cho hoạt động cho thuê khu công nghiệp.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn đã thúc đẩy hoạt động cho thuê khu công nghiệp (KCN) trong 6 tháng đầu năm 2019.
Theo ghi nhận của CTCK Rồng Việt (VDSC), Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Tổng Công ty Viglacera - CTCP (VGC) là hai doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất.
Cụ thể, KBC ghi nhận cho thuê gần 60 ha (tăng trưởng 15%) và VGC có thể ghi nhận gần 105 ha (tăng trưởng 362%) trong 6 tháng đầu năm 2019. Nổi bật là Foxconn đã thuê 15 ha tại KCN Quang Châu (Bắc Giang - KBC). Tập đoàn công nghệ này cũng đang lên kế hoạch đặt một nhà máy khác trên diện tích 10 ha tại KCN Đông Mai (Quảng Ninh - VGC). Phần lớn khách thuê mới vẫn là các doanh nghiệp cung ứng linh kiện, điện tử. Qua đó khẳng định thêm xu hướng dịch chuyển sản xuất đã và đang thúc đẩy nhu cầu thuê KCN, đặc biệt ở khu vực phía bắc.
Giá cho thuê tăng, nhưng không phải ở tất cả các khu vực. Ước tính của VDSC cho thấy mức tăng 11% tại các KCN của KBC và VGC.
Đối với KBC, hầu hết các KCN đang và sắp cho thuê nằm ở vị trí khá thuận lợi, do đó giá cho thuê tương đối cao hơn, trung bình đạt 78 USD/m2 năm 2018. Trong đó, giá cho thuê tại KCN Quang Châu tăng đáng kể, đạt 16% theo ước tính của VDSC.
Trong khi đó, VGC ghi nhận tăng giá tại KCN xa hơn tại các tỉnh (KCN Phú Hà, Tiền Hải và Đồng Văn IV) có mức giá cho thuê trung bình thấp hơn trong những năm trước đây, dao động từ 40 - 60 USD/m2.
Điều này cho thấy nhu cầu thuê đã tăng mạnh và đang lan tỏa đến những khu vực xa hơn, nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động tương đối.
Trong thời gian tới, VDSC cho rằng các vấn đề liên quan đến nguồn lao động sẽ trở nên quan trọng hơn khi nhu cầu ngày càng tăng cao.
Hai doanh nghiệp trên được đánh giá cao nhờ quỹ đất thương phẩm lớn còn lại để cho thuê, ước tính khoảng 496 ha đối với KBC (không bao gồm KCN Tràng Duệ 3 - 456 ha) và 1.155 ha đối với VGC. Lợi thế này cho phép KBC và VGC nắm bắt tốt hơn khi nhu cầu lan rộng. VDSC cho rằng KBC và VGC sẽ tiếp tục ghi nhận cho thuê tốt trong nửa cuối năm 2019 nhờ vào nguồn cung đất thương phẩm có thể cho thuê ngay.
Với khu vực phía Nam, nguồn cung ở những vị trí đắc địa (TP.HCM, Bình Dương, Long An) tạm thời cạn kiệt do một số sự chậm trễ ở khâu thủ tục hoặc bồi thường.
Khó khăn trong bồi thường vẫn còn tiếp diễn ở KCN Long Hậu 3 (Long An - CTCP Long Hậu (LHG)  - 91ha). Trong khi đó, KCN Nam Tân Uyên 3 (Bình Dương - CYCP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (NTC) - 255ha) đang nỗ lực đi vào triển khai, dự kiến vào quý IV 2019.
Còn CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) đang là cái tên nổi bật nhờ 689 ha đất thương phẩm còn lại; phần lớn đã được đền bù với chi phí tương đối thấp. Cập nhật mới nhất ghi nhận diện tích cho thuê lũy kế tại khu Sonadezi Châu Đức đạt 400ha với giá thuê trung bình là 50 USD/m2 (đến 2058). Như vậy, SZC ước tính cho thuê mởi khoảng 20ha trong 6 tháng đầu 2019. VDSC đánh giá diện tích cho thuê ghi nhận trong thời gian tới tại KCN này sẽ diễn biến tích cực nhờ nhu cầu tăng cao.
Tóm lại, căng thẳng thương mại sẽ tiếp diễn trong nữa cuối 2019. Xu hướng dịch chuyển sản xuất vẫn sẽ duy trì vào tạo ra thuận lợi cho hoạt động cho thuê KCN, ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận thương mại, dựa vào tỷ lệ sinh thấp hiện tại (1,62 so với mức trung bình 2,17 của ASEAN), chi phí lao động cao hơn (1,61 lần so với mức trung bình của ASEAN) và các rủi ro tập trung tại Trung Quốc.
Chuyên gia của VDSC cho biết, hầu hết các doanh nghiệp có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc đã giữ trạng thái “im lặng“ trong bối cảnh căng thẳng do các vấn đề liên quan đến sa thải, bồi thường cho công nhân, mối quan hệ với các nhà cung cấp hoặc thậm chí là giá cổ phiếu của công ty.
Các báo cáo gần đây cho biết Apple đã khuyến khích các nhà cung cấp lớn của mình, bao gồm Foxconn, Pegatron, Wistron, xem xét các lựa chọn khác cho hoạt động sản xuất. Những hành động khó lường của Tổng thống Trump đang thúc đẩy sự dịch chuyển. Tuy nhiên, việc di dời nơi sản xuất mất nhiều thời gian, trung bình mất khoảng 12 - 18 tháng đối với các doanh nghiệp vừa và lớn.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích