|
Bộ GTVT cho hay, với các công trình giao thông, nếu gói thầu sử dụng vốn trong nước sẽ không đấu thầu quốc tế, chỉ có nhà thầu trong nước tham gia. Còn việc đấu thầu quốc tế chọn nhà thầu thi công chỉ thực hiện với các dự án: Sử dụng vốn vay và nhà tài trợ vốn yêu cầu; các gói Việt Nam không sản xuất hoặc không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá cả...
Tuy vậy, Bộ GTVT thừa nhận, có một số dự án nhà thầu Trung Quốc tham gia còn tồn tại, vướng mắc về việc thực hiện hợp đồng, đặc biệt đối với hợp đồng EPC (xây dựng - chuyển giao). Những tồn tại này một phần do pháp luật chưa quy định, hướng dẫn chưa đầy đủ. Đồng thời, đây là những dự án có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam dẫn đến còn khó khăn, lúng túng khi giải quyết, xử lý những vấn đề phát sinh...
Do đó, bộ này cam kết với cử tri, sẽ tiếp tục rà soát, chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, khiếm khuyết nếu có. Đảm bảo lựa chọn nhà thầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Những kiến nghị của cử tri Ninh Bình được đưa ra khi Bộ GTVT đang thực hiện sơ tuyển để đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Trong khi đó, tại một số dự án có nhà thầu Trung Quốc tham gia lại gặp vấn đề về tiến độ, đội vốn.
Theo kết quả mở hồ sơ thầu của các chủ đầu tư, tại 8 đoạn cao tốc kêu gọi đầu tư BOT, có 60 nhà đầu tư nộp hồ sơ. Trong đó, riêng nhà đầu tư tới từ Trung Quốc, hoặc liên danh với nhà đầu tư của Việt Nam có 30 hồ sơ, và có mặt ở tất cả các dự án. Trong khi đó, chỉ có 15 hồ sơ nộp lại là của nhà đầu tư Việt Nam, số còn lại tới từ Hàn Quốc, Pháp...
Theo Tiền Phong