Chiếc điện thoại iPhone đời kế tiếp sẽ được sản xuất tại Việt Nam?

Thứ ba, 30/07/2019, 17:20
Cho đến nay, không nước nào trên thế giới hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động với Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam.

"Điện thoại iPhone mà bạn đổi lần tới sẽ có thể được sản xuất tại Việt Nam, nhờ vào chiến tranh thương mại", đó là giả thuyết mà New York Times đưa ra trong bài báo mới đây.

Hiện tại, Samsung đang lắp đặt khoảng một nửa trong tổng số các thiết bị cầm tay tại Việt Nam, nhờ vậy né được khoản thuế đáng kể từ Mỹ áp với hàng Trung Quốc. Giờ đây Apple đang tiếp bước.

Cho đến nay, không nước nào trên thế giới hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động với Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam, theo đánh giá đưa ra trong bài báo trên.

Các nhà máy tại Việt Nam đã đón nhận thêm rất nhiều đơn hàng sản xuất bởi các biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng buộc các công ty phải cân nhắc lại việc sản xuất tại Trung Quốc. Giờ đây, thêm nhiều công ty công nghệ lớn đang cố gắng đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam, nhờ vậy hỗ trợ thêm cho Việt Nam trên con đường trở thành cường quốc sản xuất điện thoại thông minh và một số sản phẩm cao cấp khác.

Thế nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm, trước tiên Việt Nam cần sản xuất tốt nhiều linh kiện nhựa kích cỡ nhỏ.

Giám đốc một công ty sản xuất linh kiện nhựa cho máy in của Canon, đồ chơi nhạc Korg, điện thoại Samsung và phụ kiện điện thoại cho biết rằng sẽ khó để công ty của ông có thể cạnh tranh với các công ty Trung Quốc. Ông phải mua mỗi tháng từ 70 đến 100 tấn nguyên liệu nhựa nhập khẩu từ Trung Quốc, phần lớn trong số này được sản xuất tại Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh: “Việt Nam không thể cạnh tranh được với Trung Quốc. Khi chúng tôi mua vật liệu, giá đã cao hơn từ 5 đến 10% so với Trung Quốc. Thị trường Việt Nam có quy mô quá nhỏ, chính vì vậy khó hấp dẫn các công ty sản xuất nhựa thành lập nhà máy ở đây”.

Trong tuần này, các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau ở Thượng Hải nhằm tìm cách giải quyết vướng mắc trong chiến tranh thương mại. Thế nhưng với nhiều doanh nghiệp, khi mà họ vốn đã quá sợ hãi với những gì đã xảy ra trong mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, sức hấp dẫn của việc làm ăn kinh doanh tại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới có thể mãi mãi không còn nữa.

Khi mà danh sách đánh thuế tiếp theo của Tổng thống Trump bao gồm nhiều mặt hàng như máy trò chơi, điện thoại thông minh và một số sản phẩm ưa thích khác của người tiêu dùng, các công ty sản xuất thiết bị di động đang cảm nhận rõ được sức ép cần kiếm được một địa điểm sản xuất hoặc địa điểm hoàn thiện cuối cunfg khác cho sản phẩm của mình.

Apple đang tìm đến Việt Nam và Ấn Độ trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nintendo đã đẩy nhanh hoạt động chuyển dần chuỗi cung ứng máy trò chơi từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty điện tử nổi tiếng Đài Loan Foxconn, công ty lắp ráp chính sản phẩm iPhone vào tháng 1/2019, công bố rằng công ty đã giành được quyền thuê đất tại Việt Nam và đã đầu tư 200 triệu USD xây nhà máy tại Ấn Độ. Một số đối tác Đài Loan và Trung Quốc khác của Apple cũng đã phát đi tín hiệu rằng họ sẽ đẩy mạnh sản xuất tại Việt Nam.

Ngay cả như vậy, Việt Nam cũng khó có thể thay thế được Trung Quốc trong vai trò trung tâm sản xuất chỉ trong thời gian ngắn. Đất đai có thể trở nên đắt đỏ, ngoài ra còn quá thiếu nhà máy nhà xưởng có thể hoạt động được ngay. Chưa kể đến rất nhiều thách thức trong việc tuyển dụng người lao động.

Giám đốc điều hành tại TP.HCM của công ty luật Baker McKenzie, ông Frederick R. Burke, nhận xét: “Rõ ràng Việt Nam cũng đang có cái khó riêng. Dù lực lượng lao động của Việt Nam mỗi năm có thêm 1 triệu người, người ta đang bắt đầu nói đến việc thiếu lao động”.

Việt Nam cũng không có được hệ thống chuỗi cung ứng sản xuất nhiều linh kiện, phụ tùng chuyên biệt giống như Trung Quốc.

Giám đốc một công ty sản xuất thiết bị công nghiệp cho Samsung, Canon và một số công ty lớn khác quanh khu vực Bắc Ninh thừa nhận rằng phần lớn các nhà cung cấp Việt Nam đang đối diện với nhiều vấn đề về chất lượng và năng suất lao động, nó ngăn họ giành được công việc kinh doanh từ nhiều công ty đa quốc gia. Thế nhưng ông tin vấn đề mấu chốt ở chỗ Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm chứ không thiếu tiền hay kiến thức. Dần dần, hệ thống cung ứng tại Việt Nam sẽ tốt hơn, ông dự báo.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn