|
Công ty thực phẩm Phú Sỹ bắt đầu cung cấp đồ Nhật cho chuỗi nhà hàng Iki Sushi (thuộc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam) từ khi hệ thống này vừa khai trương.
Nợ hơn 20 tỷ đồng từ 28 nhà cung cấp
Trao đổi với PV, đại diện Phú Sỹ kể lại công nợ thường kéo dài từ 1-2 tháng, đến khi nợ quá 3 tháng thì doanh nghiệp ngừng cung cấp thực phẩm. Iki Sushi sau đó tìm đến Phú Sỹ mua lẻ thực phẩm dưới hình thức cá nhân thay vì danh nghĩa công ty như trước đó. Phát hiện điều này, Phú Sỹ một lần nữa ngừng bán cho phía Iki Sushi. Lúc này, Iki Sushi bắt đầu thanh toán dần các khoản nợ trước đó.
|
Biên bản xác nhận do Công ty Huy Việt Nam gửi Phú Sỹ qua email. |
Đến nay, Iki Sushi nợ Phú Sỹ hơn 300 triệu đồng với các hóa đơn tháng 4,5,6 năm 2019.
Ngày 3/10, Phú Sỹ được Công ty Huy Việt Nam mời đến trụ sở trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1, TP.HCM) để ký công nợ. Theo đó, Huy Việt Nam sẽ thanh toán 50 triệu đồng trong thời gian từ ngày 25-28 hàng tháng cho Phú Sỹ đến khi hết nợ.
Các doanh nghiệp có khoản phải thu trên 500 triệu sẽ được thanh toán 100 triệu đồng mỗi tháng.
Tuy nhiên, đến ngày 20 vừa qua, các nhà cung cấp đồng loạt nhận thông tin nhân viên thu mua tại Huy Việt Nam đã nghỉ việc và toàn bộ hệ thống cửa hàng Món Huế đã đóng cửa. Trụ sở công ty cũng vắng bóng nhân viên. Không ai còn liên lạc được với phía Huy Việt Nam.
Tương tự Phú Sỹ là các công ty, hộ kinh doanh cá thể cung cấp nguyên liệu thực phẩm, rau củ, đá lạnh, văn phòng phẩm, cho thuê thiết bị văn phòng, camera...
Đến trưa 22/10, tổng số tiền nợ do 28 nhà cung cấp thống kê lên đến gần 20 tỷ đồng.
Đại diện một đơn vị cung cấp đá lạnh cho biết tổng số nợ trong 3 tháng là khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, công ty rau củ quả Phương được cho là nhà cung cấp bị nợ nhiều nhất, lên đến hơn 2,7 tỷ đồng.
Nhà cung cấp nộp đơn tố cáo Món Huế
Hiện tại, các nhà cung cấp đã nộp đơn tố cáo Công ty Huy Việt Nam cho Công an phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM). Trao đổi với Zing.vn, đại diện công an phường cho biết đã tiếp nhận và sẽ chuyển cho Công an quận 1 để giải quyết theo đúng trình tự.
Ghi nhận tại trụ sở Công an phường Cô Giang, một số nhà cung cấp đến sáng sớm ngày 22/10 mới nắm được thông tin về sự việc và tỏ ra ngỡ ngàng về khoản nợ lớn của công ty này.
Anh Lâm, đại diện Công ty TNHH Đăng Khôi chuyên cung cấp camera có trụ sở tại quận Bình Tân (TP.HCM) chia sẻ sáng sớm hôm nay mới nhận được thông tin về sự việc từ một nhân viên cũ của công ty Huy Việt Nam.
|
Công an phường Cô Giang đến làm việc khi hơn 100 nhà cung cấp đến treo băng rôn đòi nợ tại trụ sở công ty Huy Việt Nam. (Ảnh: NVCC). |
Ngoài ra, một số nhà cung cấp khác cũng chưa biết thông tin về sự việc, và một số đơn vị kinh doanh không có hợp đồng và hóa đơn giao dịch với công ty Huy Việt Nam nên chưa thống kê được đầy đủ khoản nợ.
Sáng 22/10, theo ghi nhận của PV, tất cả chi nhánh Món Huế ở TP.HCM đã đóng cửa và treo biển thông báo trả mặt bằng.
Khi phóng viên tìm đến trụ sở để gặp đại diện doanh nghiệp, chỉ còn một vài bảo vệ của công ty có mặt tại tòa nhà nhưng họ cho biết cũng sẽ sớm hoàn tất công việc và nghỉ làm. Vào thời điểm còn hoạt động bình thường, số lượng nhân viên làm việc mỗi ngày tại trủ sở này lên gần 300 người.
Chủ toà nhà văn phòng 9 tầng tại địa chỉ 302-304 Võ Văn Kiệt (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM) đã đòi lại mặt bằng từ công ty Huy Việt Nam do không thanh toán tiền thuê nhà trong nhiều tháng nay.
PV liên hệ với Công ty TNHH Món Huế và Công ty Huy Việt Nam nhưng chưa có phản hồi.
Công ty Huy Việt Nam hiện vận hành nhiều chuỗi nhà hàng khác như Món Huế, Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, Great Banhmi & Cafe, trà sữa TP Tea, 99 House of Phở, Mì Quảng Bếp Tâm, món Hàn Shilla, món Nhật Iki, Captain Lobster, Soi 615.
Ngày 2/10, thời điểm chỉ hơn 1 tuần trước khi các nhà hàng Món Huế bắt đầu đóng cửa, công ty Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh. Ông Quỳnh Anh sinh năm 1984 và giữ vị trí giám đốc công ty.
Theo Zing