|
TP.HCM gia nhập vào một danh sách đang kéo dài các thành phố trong khu vực Châu Á, từ Colombo (Sri Lanka) tới Kuala Lumpur (Malaysia), tuyên bố ý định trở thành những nơi trung gian của nguồn vốn toàn cầu.
Dubai: Dịch vụ tài chính giúp “thoát” phụ thuộc dầu mỏ
Đối với rất nhiều thành phố khao khát trở thành trung tâm tài chính, Dubai là một hình mẫu. Trong thập niên 2000, thành phố Dubai đã nổi lên như một trung tâm tài chính toàn cầu. Điều này đã tác động rất tích cực và đáng kể tới nền kinh tế của quốc gia này.
Tại thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) có quy mô GDP là 104 tỉ USD, tới năm 2018, nền kinh tế của quốc gia này không chỉ tăng gấp 4 lần về quy mô, mà còn trở nên ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ, với các dịch vụ tài chính là một động lực tăng trưởng cơ bản (năm 1990, dầu chiếm 24% GDP, nhưng năm 2004 đã giảm xuống còn 7% GDP).
Hơn nữa, Dubai đạt được vị thế này chủ yếu nhờ vào sức mạnh ý chí. Vì nơi đây không phải là một trong những trụ cột của kinh tế thế giới như New York (Mỹ) hay London (Anh). Dubai cũng không được hưởng lợi từ di sản của chế độ thực dân để lại là luật pháp Anh và các kỹ năng ngôn ngữ.
Những ngẫu nhiên của lịch sử mà các thành phố khác trên thế giới được hưởng lợi và dẫn tới con đường trở thành trung tâm tài chính quốc tế, chẳng hạn sự chi phối của thành phố Chicago đối với nền nông nghiệp miền Trung Tây của Hoa Kỳ đã khiến Chicago là trung tâm thương mại hàng hóa, từ đó trở thành trung tâm tài chính quốc tế. Hay Thuỵ Sĩ là quốc gia trung lập về chính trị đã dẫn tới vai trò về quản lý tài sản tư nhân uy tín toàn cầu và phát triển mạnh mẽ dịch vụ về ngân hàng, bảo hiểm. Những thuận lợi sẵn có cũng chỉ là thứ yếu, và câu chuyện thành công của Dubai là khó lặp lại.
Thứ nhất, thành phố này có một số lợi thế về mặt địa lý, như là trung tâm vận tải hàng không toàn cầu và có những láng giềng giàu có với nguồn tiền nhàn rỗi từ dầu mỏ sẵn sàng đầu tư.
Thứ hai, nó không có bất kỳ đối thủ tương đương rõ rệt nào trong khu vực cho các dịch vụ tài chính và đã có thể lấp vào khoảng trống hiếm hoi còn lại, xét tới sự nở rộ sau đó của các trung tâm tài chính đầy khát vọng.
Thứ ba, ý chí chính trị của nó là hết sức mạnh mẽ và đã mở rộng tới mức sửa đổi Hiến pháp Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất năm 2004 để cung cấp khuôn khổ pháp lý cần thiết cho một trung tâm tài chính toàn cầu.
Cuối cùng, nó sẵn sàng chi tiêu. Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất đầu tư cho những thay đổi pháp lý, mức lương cho chuyên gia nước ngoài, cơ sở hạ tầng vật chất và ưu đãi thuế. Rất nhiều quốc gia có nhiều nhu cầu cơ bản hơn cần phải đáp ứng trước khi cân nhắc những khoản chi tiêu lớn như vậy.
Chính sách: Yếu tố đầu tiên cho sự hình thành trung tâm tài chính
Cách tiếp cận tốt hơn cho hầu hết các quốc gia, bao gồm Việt Nam, là trước hết TP.HCM cần tập trung vào việc trở thành một trung tâm tài chính quốc gia.
Việt Nam có nhu cầu đầu tư khổng lồ. Riêng về cơ sở hạ tầng, nhu cầu đầu tư hàng năm ước tính cần khoảng 18 tỉ đến 20 tỷ USD.
Nếu TP.HCM có thể trở thành một đơn vị trung gian ngày càng hiệu quả, thu hút vốn một cách hiệu quả, không chỉ từ các nguồn trong nước mà cả quốc tế, nó sẽ không chỉ thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thực của Việt Nam, mà còn tăng cường các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để chuyển đổi từ một trung tâm tài chính quốc gia thành một trung tâm tài chính quốc tế.
Một trung tâm tài chính quốc gia, và sau đó là toàn cầu, sẽ đòi hỏi đầu tư cho cơ sở hạ tầng vật chất cũng như giáo dục và đào tạo, nhưng những cải cách chính sách vẫn là điều kiện thiết yếu.