Kinh tế Trung Quốc tồi tệ hơn so với những con số chính thức?

Thứ năm, 14/11/2019, 11:18
Hàng loạt những tín hiệu xấu từ các công ty, ngân hàng trung ương và những cuộc đàm phán thương mại cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang lao đao nghiêm trọng.

Theo thông báo chính thức của chính quyền Trung Quốc, nền kinh tế nước này đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1992. GDP quý III năm nay chỉ đạt 6%, cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu.

Nikkei Asian Review cho biết tuần trước, có ba diễn biến mới cho thấy tình hình nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế xấu hơn rất nhiều so với những con số chính thức mà Bắc Kinh đưa ra thời gian qua.

Dấu hiệu cảnh báo đầu tiên là tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp. Dữ liệu tăng trưởng GDP, lạm phát và hoạt động sản xuất do chính phủ Bắc Kinh công bố thường gây nghi ngờ, nhưng sự suy thoái của giới doanh nghiệp Trung Quốc là không thể che giấu.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế. (Ảnh: Nikkei).

Lợi nhuận đồng loạt sụt giảm

Tuần trước, Nikkei Asian Review cho biết lợi nhuận 9 tháng đầu năm của một loạt ngành công nghiệp quan trọng tại Trung Quốc sụt giảm. Các doanh nghiệp xe hơi, sản xuất hàng hóa, bán lẻ truyền thống và bất động sản đều lao đao, một số chứng kiến lợi nhuận tụt dốc nghiêm trọng.

Đây đều là những lĩnh vực quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng bị mắc kẹt trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và bị hạn chế bởi chiến dịch chống thắt chặt tài chính của Bắc Kinh.

Điển hình là ngành công nghiệp xe hơi. Thống kê của Nikkei cho thấy lợi nhuận của 161 doanh nghiệp niêm yết liên quan đến hoạt động sản xuất ôtô sụt giảm gần 30% trong 9 tháng đầu năm nay.

Theo hãng nghiên cứu Shanghai DZH cho biết, tổng lợi nhuận ròng của hơn 3.600 doanh nghiệp phi tài chính giảm 2,2% trong quãng thời gian này. Đây không phải mức giảm quá nghiêm trọng, nhưng cho thấy tăng trưởng ở Trung Quốc không hề ổn định như những gì chính quyền Bắc Kinh mô tả.

Các nỗ lực kích thích kinh tế như tăng chi tiêu công, giảm thuế, phát hành trái phiếu địa phương... đều không phát huy tác dụng như mong muốn.

Nền kinh tế Trung Quốc đang bộc lộ nhiều dấu hiệu suy yếu. (Ảnh: Bloomberg).

Do đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc phải hành động. Đây là dấu hiệu thứ hai cho thấy tình hình kinh tế Trung Quốc diễn biến xấu hơn những con số chính thức.

Trong những tháng gần đây, PBOC không có bước đi cụ thể nào dù tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm về gần mức dưới 6%. Mọi chuyện thay đổi vào tuần trước khi cơ quan này cắt giảm lãi suất cho vay 1 năm từ 3,3% xuống 3,25%. Giới phân tích dự báo PBOC sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản.

Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận với Mỹ

Dấu hiệu thứ ba, theo Nikkei Asian Review, là việc chính quyền Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong những tháng gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tuyên bố Washington và Bắc Kinh đã tiến sát đến một thỏa thuận quy mô lớn.

Nhưng phía Trung Quốc liên tục phủ nhận thông tin này. Tuần trước, đến lượt các quan chức Bắc Kinh "bắn" tin về thỏa thuận. Cả phía Mỹ và Trung Quốc đều xác nhận theo thỏa thuận "giai đoạn 1", Washington sẽ dỡ bỏ thuế trừng phạt đánh lên hàng Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định thỏa thuận này quá hạn chế và không thay đổi được đáng kể quan hệ thương mại Mỹ - Trung, nhưng ít nhất sẽ "tháo gỡ gông cùm" đang xiết chặt ngành xuất khẩu Trung Quốc.

Trước mắt, một "thỏa thuận ngừng bắn" giữa Bắc Kinh và Washington sẽ giúp chính quyền Trung Quốc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức trên 6%. Về lâu dài, đó có thể là cơ sở để Trung Quốc tập trung đầu tư phát triển các lĩnh vực như năng lượng thay thế, tự động hóa, công nghệ sinh học và xe tự hành.

Ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc đang vật lộn vì thương chiến. (Ảnh: Nikkei).

Vấn đề là theo Nikkei Asian Review, không có gì đảm bảo chắc chắn rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ đạt một thỏa thuận thương mại cụ thể và rõ ràng. Ngày 13/11, Tổng thống Trump đe dọa sẽ tăng thuế đánh lên hàng Trung Quốc, đẩy giá smartphone, laptop và đồ chơi tăng vọt trước Giáng sinh. Ông Trump mô tả "không nước nào gian lận giỏi hơn Trung Quốc".

Do đó, sẽ không dễ để Trung Quốc vượt qua cơn bão. Trong khi đó, các thông tin xấu vẫn tiếp tục ập đến trong tuần này. Theo South China Morning Post, tăng trưởng sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10 chỉ đạt 4,7%, thua xa mức 5,8% của tháng 9. Doanh số bán lẻ tăng 7,2%, thấp hơn mức dự đoán 7,8%.

Nguồn tin SCMP cho biết trong cuộc gặp với các nhà kinh tế ở Bắc Kinh hôm 13/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

"Môi trường bên ngoài hiện tại đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng, gây sức ép lớn lên nền kinh tế nội địa, đẩy giá thịt lợn và các sản phẩm khác leo thang, tạo ra nhiều khó khăn cho các công ty", ông Lý mô tả.

Theo Zing

Các tin cũ hơn