Trung Quốc tăng cường sản xuất đất hiếm để gạt bỏ đối thủ cạnh tranh Mỹ

Thứ hai, 11/11/2019, 09:08
Một số người coi chính sách này như một cách cung cấp ngập đất hiếm ra thị trường, làm giảm giá đất hiếm và cản trở bất kỳ công ty mới nào của Mỹ gia nhập thị trường.

Ảnh: AP

Trung Quốc, nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, sẽ mở rộng hoạt động sản xuất lên mức cao kỷ lục trong nỗ lực cố gắng giữ thế thống trị trong ngành.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã đặt mục tiêu sản xuất của năm nay ở mức 132 nghìn tấn đất hiếm, cao hơn 10% so với năm trước. Năm nay sẽ là năm thứ 2 liên tiếp hoạt động sản xuất đất hiếm lên mức cao kỷ lục.

Theo giới quan sát ngành từng nhận định, Bắc Kinh có thể sử dụng đất hiếm như một vũ khí trong chiến tranh thương mại với Washington bằng việc giảm mạnh nguồn cung. Trung Quốc hiện nắm khoảng 70% thị phần thị trường đất hiếm toàn cầu.

Dù hạn mức sản xuất đất hiếm mới sẽ có thể làm giảm những nỗi sợ này, một số người coi chính sách này như một cách cung cấp ngập đất hiếm ra thị trường, làm giảm giá đất hiếm và cản trở bất kỳ công ty mới nào của Mỹ gia nhập thị trường khi mà Washington cố gắng tăng cường mở rộng hoạt động sản xuấ nội địa và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Lý do chính cho việc Trung Quốc mở rộng hoạt động sản xuất đất hiếm trước tiên chính là bởi bản thân nhu cầu nội địa của Trung Quốc. Trung Quốc hiện chiếm khoảng nửa trong tổng hoạt động sản xuất các thiết bị năng lượng mới, ví như ôtô điện.

Hoạt động sản xuất của những loại ôtô như vậy tăng trưởng 20% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 9/2019. Đất hiếm là nguyên liệu không thể thiếu trong hoạt động sản xuất nam châm dùng trong các thiết bị chạy điện.

Cựu lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình, nhận xét: “Trung Đông có dầu, Trung Quốc có đất hiếm”. Dưới thời của ông, Trung Quốc đã dành được công bố khai thác và xử lý đất hiếm và rồi cuối cùng đã thiết lập được chuỗi sản xuất đầy đủ tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ thiếu các công cụ lọc và xử lý đất hiếm. Dù Mỹ có xuất quặng đất hiếm sang Trung Quốc, phần lớn các sản phẩm đất hiếm cuối cùng phải cần đến Trung Quốc mới có thể sản xuất được. Khi mà căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ leo thang xung quanh vấn đề thương mại và công nghệ cao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm một nhà máy sản xuất nam châm ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc – một trung tâm sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc.

Trong chuyến thăm này, ông nhấn mạnh rằng đất hiếm là một loại tài nguyên quan trọng, chuyến thăm được giới quan sát cho rằng gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ hạn chế nguồn cung đất hiếm sang Mỹ.
Sau chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giá dysprosium, một loại đất hiếm được sử dụng trong hoạt động sản xuất nam châm, tăng khoảng 50% so với thời điểm đầu năm. Theo một nhân viên tại công ty kim loại màu Trung Quốc lý giải rằng quyết định mở rộng hoạt động sản xuất đất hiếm tại Trung Quốc có thể coi như thông điệp về khả năng Trung Quốc sẽ vẫn đảm bảo nguồn cung đất hiếm ổn định.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn