Bịt lỗ hổng chính sách, chống gian lận thương mại

Thứ năm, 07/11/2019, 09:49
Trong phiên chất vấn hôm qua tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.

ĐB Trần Văn Tiến (trái) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Tiềm ẩn nguy cơ an ninh quốc gia

“Mở hàng” đầu tiên, đại biểu (ĐB) Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) báo động tình trạng gian lận xuất xứ, hàng giả nhãn, mác Việt Nam đang xảy ra ngày càng nhiều và mức độ nghiêm trọng. Đáng nói, việc này cảnh báo từ lâu, nhưng chậm được phát hiện và xử lý. “Nguyên nhân ở đây là gì và trách nhiệm, giải pháp của Bộ trưởng như thế nào?”, ĐB Thanh đặt câu hỏi.

Trước khi trả lời, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải trình trong xu hướng hội nhập sâu rộng, các hiệp định thương mại tự do được ký kết tạo ưu đãi thuế quan giúp doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, ngược lại cũng xuất hiện dấu hiệu các sản phẩm đội lốt xuất xứ Việt Nam. Cụ thể, ngay từ năm 2017, Bộ Công thương và Chính phủ đã nhận thức nguy cơ này, chủ động phát hiện vụ nhập khẩu của một DN nhôm ở Bà Rịa - Vũng Tàu dùng nguyên liệu nhôm đùm, nhôm thỏi để xuất khẩu, nghi có gian lận xuất xứ. Ngoài ra, những sản phẩm như thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán và sản phẩm gỗ... cũng có dấu hiệu gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp lẩn tránh thuế phòng vệ của Mỹ và EU.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thủ tướng vừa thông qua Quyết định 824, tập trung đấu tranh gian lận thương mại, gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính giao cho các bộ, ngành. “Dù xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến trong thời gian qua, song Chính phủ chỉ đạo chủ động chống gian lận xuất xứ, giữ được quan hệ thuận lợi thương mại với Mỹ và kể cả các quốc gia khác", ông Trần Tuấn Anh nói.
Phó trưởng đoàn ĐB Quốc hội (QH) tỉnh Vĩnh Phúc - Trần Văn Tiến đặt câu hỏi: “Tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại... tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia trật tự an toàn xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình và các cơ quan có liên quan. Giải pháp thực hiện trong thời gian tới để chấm dứt tình trạng này”.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Công thương thừa nhận, hàng lậu, hàng gian lận thương mại, hàng giả... xuất hiện tương đối phổ biến và xảy ra trên nhiều địa bàn. Đây là vấn đề chưa thể khắc phục, vì hiện nay càng được tổ chức tinh vi hơn, có liên kết trong và ngoài nước. “Chúng tôi đang tổ chức những cuộc đấu tranh trọng điểm tại một số khu vực nóng như Đồng Tháp, An Giang, Quảng Ninh... về các mặt hàng giả sở hữu trí tuệ hữu và hàng tiêu dùng. Tại diễn đàn QH, tôi cũng nhìn nhận trách nhiệm của mình khi thời gian vừa qua chưa đảm bảo hết được những yêu cầu trong đấu tranh mặt hàng gian lận, hàng giả, hàng kém phẩm chất. Nhưng chúng tôi cam kết trong thời gian tới đây, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục làm tốt và sẽ làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình”, người đứng đầu Bộ Công thương trả lời.

“Đã có sự chủ quan” làm bùng nổ điện mặt trời

Chất vấn về năng lượng sạch, ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai), ĐB Đôn Tuấn Phong (An Giang) đặt vấn đề công suất điện mặt trời hiện tại lên tới 7.230 MW, vượt 9 lần so với quy hoạch và vẫn còn 210 dự án đang chờ phê duyệt. Mức giá 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm được ĐB cho là cao so với các nước trong khu vực cũng như so với giá các nguồn năng lượng khác.
Đặc biệt, việc phát triển quá nóng điện mặt trời cũng mất cân đối với hạ tầng, buộc các dự án phải cắt giảm công suất, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, lãng phí và làm méo mó thị trường năng lượng tái tạo...
Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Công thương lý giải: Do quy hoạch điện 7, đã được phê chuẩn từ năm 2017, chưa dự kiến đến sự phát triển của điện tái tạo, trong đó điện mặt trời là chủ yếu. Mặt khác, để thực thi cam kết của Việt Nam trong COP 21 về giảm phát thải khí nhà kính, và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Thủ tướng phê duyệt Quyết định 11, quy định giá ưu đãi cho mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent/kWh - một mức “rất thuận lợi” cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, tại thời điểm ban hành Quyết định 11, Việt Nam “đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất lớn trong năm 2019 và năm 2020”, nên các nguồn điện tái tạo được coi là những nguồn bổ sung.
Với mức giá hời đó, đến ngày 30.6 năm nay, Việt Nam đã có được gần 4.900 MW điện mặt trời hoàn tất và đưa vào vận hành, “đóng góp rất lớn” cả cho việc bổ sung nguồn điện và cả “bài học kinh nghiệm” cho Việt Nam, trong đó có “bài học cho cái yếu của chúng ta về sự phát triển không đồng bộ”, Bộ trưởng Công thương thừa nhận.
“Việc tập trung quá lớn một số dự án điện mặt trời ở các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận và Bình Thuận, cùng với sự thiếu chủ động của Bộ Công thương cũng như các ngành trong dự báo và triển khai các biện pháp cần thiết, đã dẫn đến tình trạng công suất không được giải tỏa hết”, Bộ trưởng nói và cho biết đến nay các dự án mới giải tỏa được khoảng 30 - 40% công suất.

"Tôi nhìn nhận trách nhiệm của mình khi thời gian vừa qua chưa đảm bảo hết được những yêu cầu trong đấu tranh với gian lận hàng giả, hàng kém phẩm chất"

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Trả lời tiếp chất vấn của ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) về việc cấp phép quá nhiều dự án điện mặt trời, Bộ trưởng Công thương một lần nữa nhận “trong quá trình triển khai, đúng là đã có sự chủ quan, đánh giá không hết về khả năng, năng lực thực hiện dự án điện mặt trời, nên trong một thời gian rất ngắn đã có sự phát triển bùng nổ”. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa đến cuối năm 2020 sẽ giải tỏa công suất cho các dự án.

Chúng ta đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao

Ngoài sự thừa thãi của điện mặt trời thì hệ thống điện Việt Nam còn đối mặt với một nguy cơ ngược lại là thiếu điện. Trả lời chất vấn về nguy cơ này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Đúng là chúng ta đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện rất cao trong năm 2019 và 2020. Thậm chí tới những năm 2022, nguy cơ không có dự phòng tại những vùng phụ tải cao như ở Tây Nam bộ là rất lớn. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là những điều kiện bất lợi và tính cực đoan rất cao của thời tiết, khiến hầu hết các thủy điện không tích được nước để phát điện theo huy động.
Thứ hai là Việt Nam đang đối mặt với sự suy giảm tới thị trường năng lượng sơ cấp, với lượng than phải nhập khẩu rất lớn (đến 2020 phải nhập khẩu tới 20 triệu tấn; năm 2025 dự kiến phải nhập khẩu tới 35 triệu tấn), khí không đủ để phát điện cho miền Đông Nam bộ và một số dự án tại Tây Nam bộ. Do sự chậm trễ của khí lô B, nên Việt Nam cũng không đủ điều kiện để Trung tâm năng lượng Ô Môn có thể phát điện.
Để đảm bảo yêu cầu điện cho nền kinh tế, Bộ trưởng Công thương cho biết thời gian tới đây huy động tối đa các nguồn, kể cả từ than, điện khí, cũng như các nguồn điện khác có liên quan, trong đó có thủy điện.
“Thủ tướng và Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế mới về giá điện, cũng như phát triển điện tái tạo để đảm bảo có sự bổ sung của điện mặt trời và điện gió. Mặt khác, chúng ta cũng đang tiếp tục có kế hoạch cụ thể để giao trách nhiệm cho PVN phải đàm phán và sớm có kế hoạch mua khí từ Malaysia và các nước trong khu vực vịnh Thái Lan để đảm bảo cung ứng điện không chỉ cho miền Tây mà cho các nhà máy điện ở Đông Nam bộ”, Bộ trưởng Công thương nói.

Trình Quốc hội xem xét ngày Gia đình Việt Nam là ngày nghỉ lễ

Tối qua (6.11), Bộ LĐ-TB-XH cho biết, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung đã có báo cáo gửi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày 23.10 về dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh, Chính phủ đồng ý việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi), theo đó bộ luật Lao động (sửa đổi) áp dụng đối với tất cả người lao động có quan hệ lao động và mở rộng áp dụng một số quy định của bộ luật đối với người không có quan hệ lao động ở cả khu vực chính thức và khu vực phi chính thức.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa, Chính phủ đề nghị bổ sung quy định trần làm thêm giờ tối đa theo tháng là không quá 40 giờ; đồng thời, quy định rõ trong luật các lĩnh vực, trường hợp đặc biệt được làm thêm đến 400 giờ/năm, bao gồm: dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử và trong những trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn theo quy định của Chính phủ. Ngoài ra, giờ làm việc bình thường trước mắt giữ nguyên là 48 giờ/tuần.
Về tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ thống nhất với Báo cáo giải trình và phương án đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 60 theo lộ trình bắt đầu từ năm 2021; đồng thời chỉ đạo Bộ LĐ-TB-XH tiến hành rà soát bước đầu 1.810 nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm làm căn cứ để xác định nhóm người lao động được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn.
Đáng chú ý, điểm mới nhất trong báo cáo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ thống nhất trình Quốc hội xem xét bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là ngày 28.6 - ngày Gia đình VN. Đối với các nội dung khác, Chính phủ giao Ban soạn thảo phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan liên quan khác nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích