Shark Liên rút khỏi vị trí CEO Công ty nước mặt Sông Đuống, người thay là doanh nhân 8x

Thứ ba, 19/11/2019, 14:53
Ngoài Tổng Giám đốc Tạ Đức Hoàng và Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên, danh sách người quản lý khác của công ty cho thấy người Thái đã chiếm đa số tại Công ty Nước mặt Sông Đuống.

Theo thông tin từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia thời điểm ngày 18/11/2019, Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã chính thức thay đổi vị trí Tổng giám đốc. Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) đã không còn ngồi ở vị trí này, người thay bà Liên là ông Tạ Đức Hoàng, sinh năm 1980.

Ông Tạ Đức Hoàng cũng là thành viên HĐQT của CTCP Nước mặt Sông Đuống, đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Aqua One (công ty mẹ của Nước mặt Sông Đuống).

Trong khi đó, mặc dù rời vị trí CEO, Shark Liên vẫn đang là Chủ tịch HĐQT của công ty Nước mặt Sông Đuống.

Ngoài Tổng Giám đốc Tạ Đức Hoàng và Chủ tịch HĐQT Đỗ Thị Kim Liên, danh sách người quản lý khác của công ty cho thấy người Thái có Ông Natthapatt Tanboon-Ek, sinh năm 1970, quốc tịch Thái Lan, thành viên Ban Kiểm soát; Bà Jareeporn Jarukornsakul, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Vivat Jiratikarnsakil, sinh năm 1956, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị; Ông Wisate Chungwatana, sinh năm 1967, quốc tịch Thái Lan, thành viên Hội đồng quản trị.

Hai người còn lại trong BLĐ công ty là ông Nguyễn Trọng Dũng, sinh năm 1958, thành viên Ban Kiểm soát; và bà Lương Thị Mai Hương – Kế toán trưởng.

CTCP Nước mặt Sông Đuống cũng chính thức trở thành công ty có vốn nước ngoài với vốn điều lệ 999,611 tỷ đồng, bao gồm 04 cổ đông tổ chức là Công ty TNHH Một thành viên Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank Capital) là cổ đông lớn nhất sở hữu 58% vốn điều lệ, tương đương 57.977.438 cổ phần

Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội (Hawaco) nắm giữ 10%, tương đương 9.996.110 cổ phần; Công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) sở hữu 5%, tương đương 4.998.055 cổ phần. Đây là 2 cổ đông tổ chức với 100% vốn nhà nước.

Cổ đông thứ tư là VIAC (N0.1) Limited Parnership (có trụ sở tại Singapore) do ông Nguyễn Hồng Sơn làm đại diện. VIAC hiện sở hữu 27% cổ phần tại Nước mặt Sông Đuống, tương đương 26.989.497 cổ phần.

Hiện, vấn đề giá bán nước sạch của Công ty nước sạch Sông Đuống đang được dư luận đặc biệt quan tâm khi giá nước tạm tính của doanh nghiệp này gấp 2 lần giá bán buôn và cao hơn giá bán lẻ đến tay người dùng. Lý giải về con số 10.246 đồng/m3 nước sạch Sông Đuống, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết xác định giá trên nguyên tắc "tính đúng, tính đủ".

Với mức giá tạm tính này, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội và CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội cho biết họ không đủ nguồn lực tài chính để thực hiện. Theo tính toán của Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội họ có thể thua lỗ hơn 192 tỷ đồng/năm trong khi CTCP Nước sạch số 2 Hà Nội cũng ước tính số lỗ lên đến 58 tỷ đồng.
Trước thực tế này, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị cần thanh tra, kiểm toán rõ giá dịch vụ công như nước sạch để tăng tính minh bạch và tạo được sự đồng thuận. Ông Hồ Đức Phớc cho biết, dự án xã hội hoá dịch vụ công như Nhà máy nước sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán Nhà nước. Bởi đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân.
Tuy nhiên, dự án tồn tại bất cập trong quản lý Nhà nước với loại hình dịch vụ công được xã hội hoá là khi giá thành bán ra cao hơn mặt bằng chung nên cơ quan quản lý chuyên ngành về nước, cơ quan tài chính - Bộ Tài chính cần tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ.
Theo BizLive

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích