Động thái trên đánh dấu khoản đầu tư tài chính đầu tiên của quân đội Mỹ vào sản xuất đất hiếm quy mô thương mại kể từ sau Dự án chế tạo bom nguyên tử đầu tiên.
Nó là lời hồi đáp sau khi Tổng thống Trump lệnh cho quân đội tăng cường sản xuất đất hiếm trước lo ngại về kịch bản Trung Quốc cắt nguồn cung.
Trung Quốc, quốc gia tinh chế hầu hết các loại đất hiếm trên thế giới từng đe dọa ngừng xuất khẩu khoáng sản này sang Mỹ, sử dụng sự độc quyền của mình như một con bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại.
Một công nhân làm việc tại mỏ đất hiếm của Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây. (Ảnh: Reuters) |
Jim McKenzie, Giám đốc điều hành của UCore Rare Metal Inc, công ty đang phát triển một dự án đất hiếm ở Alaska cho biết, ngành công nghiệp đất hiếm của Mỹ cần sự hỗ trợ lớn để cạnh tranh với Trung Quốc.
Bộ phận Giám sát đạn dược quân đội Mỹ hồi tháng trước yêu cầu các nhà khai thác đất hiếm đề xuất khoản chi phí để xây dựng một nhà máy thí điểm sản xuất đất hiếm nặng, loại khoáng chất không mấy phổ biến được sử dụng trong chế tạo vũ khí.
Thời hạn để đưa ra phản hồi sẽ là 16/12. UCore, Texas Mineral Resources Corp và một liên doanh giữa Lynas Corp và Blue Line Corp là một số công ty những người được trưng cầu ý kiến.
Quân đội Mỹ cho biết họ sẽ tài trợ tới 2/3 chi phí xây dựng một nhà máy tinh chế đất hiếm và có thể hơn thế nữa.
Hồi tháng 7, Reuters dẫn tài liệu chính phủ Mỹ công bố cho biết Lầu Năm Góc muốn các nhà khai thác Mỹ mô tả kế hoạch phát triển các mỏ và cơ sở chế biến đất hiếm trong nước, đồng thời yêu cầu các nhà sản xuất chi tiết hóa nhu cầu của họ với khoáng chất quý hiếm này.
Mặc dù Trung Quốc chiếm 1/3 trữ lượng đất hiếm trên thế giới, nhưng Bắc Kinh chiếm tới 80% lượng đất hiếm nhập khẩu vào Mỹ do nước này kiểm soát gần như tất các các cơ sở xử lý nguyên liệu.
Theo số liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, các lô đất hiếm và hợp chất đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong năm 2018 có trị giá khoảng 160 triệu USD, tăng 17% so với năm 2012.
Neodymium, một nguyên tố đất hiếm được sử dụng để chế tạo nam châm cho các hệ thống tên lửa dẫn đường, các thành phần quan trọng trong máy bay và xe tăng, radar.
Gần như mọi loại đạn dược dẫn đường trong kho vũ khí của Mỹ hiện nay đều được sử dụng một lượng không nhỏ neodymium, dysprosium, praseodymium, samarium và terbium, từ tên lửa hành trình Tomahawk đến vũ khí tấn công phối hợp trực tiếp (JDAM).
Các nguyên tố khác như erbium và ytterbium đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất vũ khí laser như ATHENA, loại laser công suất cao có thể hủy diệt máy bay không người lái của kẻ thù từ khoảng cách hàng nghìn mét.
Theo báo cáo từ Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ hồi năm 2013, mỗi chiếc F-35, mà Mỹ vẫn đang loay hoay sản xuất do bị đội chi phí, sử dụng khoảng 417 kg nguyên liệu đất hiếm. Nếu không có lớp phủ oxit yttri, động cơ của mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ sẽ không thể duy trì tốc độ siêu thanh. Tương tự, nếu không có neodymium, các hệ thống vũ khí, điều hướng và liên lạc trên máy bay sẽ trở nên vô dụng. Giống như F-35, mỗi một tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia, tàu khu trục tên lửa dẫn đường Arleigh-Burke cần lần lượt 4.170 kg, 2.360kg đất hiếm.
Theo VTC