Nhóm hoạt động “Cầu nguyện trước trạm xăng” tập trung trước một trạm xăng dầu ở Washington (Mỹ) để phản đối giá xăng tăng cao - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, trong phiên giao dịch ngày 2/3, giá dầu trên sàn giao dịch New York giảm nhẹ còn 108,83 USD/thùng. Trước đó có lúc giá dầu đã tăng lên sát ngưỡng 109 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7-2008 sau khi có tin nổ đường ống dẫn dầu ở Saudi Arabia. Giá dầu liên tục tăng kể từ khi Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu khí Iran và Tehran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nơi 2/3 lượng dầu thế giới đi qua.
Tạp chí Forbes dẫn lời một số chuyên gia năng lượng khẳng định trên thực tế nạn đầu cơ mới là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng vọt. Họ ước tính nếu không có đầu cơ, giá dầu chỉ dao động ở mức 74,61 USD/thùng. Theo Forbes, tính đến ngày 23-2 giới đầu cơ đã ôm các hợp đồng giao dịch kỳ hạn tới 233,9 triệu thùng dầu, tương đương lượng dầu Iran cung cấp cho các nước Tây Âu như Pháp, Bỉ, Hi Lạp, Ý và Tây Ban Nha trong vòng một năm.
Theo CNN, một số quan chức Hãng năng lượng Exxon-Mobil và Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng trên thực tế đầu cơ chiếm tới 40% giá dầu. CNN dẫn lời thượng nghị sĩ Bernie Sanders, thành viên Ủy ban Năng lượng và tài nguyên Thượng viện Mỹ, cho biết hiện giới đầu cơ kiểm soát gần 80% thị trường hợp đồng giao dịch kỳ hạn dầu, vượt xa ngưỡng 30% hồi 10 năm trước đây.
“Thủ phạm đẩy giá dầu tăng cao là Phố Wall. Những kẻ đầu cơ thu lợi lớn nhờ thao túng thị trường hàng hóa không được kiểm soát chặt chẽ - ông Sanders khẳng định - Người tiêu dùng đang phải trả thêm “thuế đầu cơ” khi mua xăng dầu”. Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Ed Markey mô tả thị trường giao dịch dầu Phố Wall là “miền Tây hoang dã”.
Trên thực tế, năm 2010 Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cải tổ Phố Wall. Theo đó, Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn sẽ hạn chế lượng dầu từ các tay đầu cơ Phố Wall. Tuy nhiên sau hai năm, luật này vẫn chưa được áp dụng đầy đủ. Theo CNN, các tổ chức vận động hành lang của Phố Wall đang yêu cầu một tòa án liên bang ở Washington chặn luật này với lý do nó “không có cơ sở kinh tế, ảnh hưởng đến thị trường”.
Các nghị sĩ Sanders và Markey kêu gọi Chính phủ Mỹ sớm thông qua quy định kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu cơ dầu trên sàn giao dịch New York. Theo Reuters, mới đây Ủy ban Chứng khoán quốc tế (IOSCO) cũng tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan thông báo giá dầu (PRA). IOSCO cho rằng cần phải ngăn chặn nguy cơ các PRA ra thông báo giá sai lệch, tiếp tay cho giới đầu cơ.
Nhiều nghị sĩ Mỹ yêu cầu chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama mở kho dự trữ dầu chiến lược để kéo giá dầu và giá xăng xuống. Nhà Trắng khẳng định trên thực tế nguồn cung dầu hiện đang dồi dào, bất chấp việc Iran bị cấm vận. Theo Reuters, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết trong vòng hai tháng qua, Saudi Arabia sản xuất 9,7 triệu thùng/ngày, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 600.000 thùng/ngày.
Áp lực lên giá xăng trong nước Theo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, sự căng thẳng của diễn biến giá dầu thô trên thị trường quốc tế đã ảnh hưởng và gây áp lực mạnh lên giá xăng dầu thành phẩm. Tại thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của các doanh nghiệp VN là Singapore, phiên giao dịch ngày 1-3 xăng A92 ở mức 131,91 USD/thùng, dầu hỏa 133,87 USD/thùng, dầu AO 134,79 USD/thùng... Một số phiên giao dịch trước đó, giá các mặt hàng xăng dầu còn đứng ở mức cao hơn. Trong đó, lên đến đỉnh điểm là phiên giao dịch ngày 27-2, giá xăng lên tới 133,48 USD/thùng. Trong khi giá dầu DO lên tới 137,86 USD/thùng, mức cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây ở phiên giao dịch ngày 24-2. Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết tính theo giá cơ sở trong một số phiên giao dịch gần đây, sau khi đã được sử dụng quỹ bình ổn giá ở mức 1.400 đồng/lít, giá cơ sở vẫn cao hơn giá bán lẻ 1.300-1.400 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí trên thực tế mà doanh nghiệp lỗ còn cao hơn do mức chi phí kinh doanh định mức trong công thức tính giá cơ sở thấp hơn mức thực tế doanh nghiệp phải chi. Hiện các doanh nghiệp cũng cắt giảm chiết khấu đối với các đại lý. Mức chiết khấu cao nhất hiện là 220-250 đồng/lít. Sau khi trừ chi phí vận chuyển, có đại lý chỉ còn nhận 50-70 đồng/lít. Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Giang - tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - cho biết hiện trung bình mỗi tháng nhà máy đưa ra thị trường khoảng 400.000 tấn xăng dầu các loại. Nhà máy có công suất thiết kế để đáp ứng khoảng 30% thị phần tiêu thụ xăng dầu ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, do công suất nhà máy hai năm trở lại đây vẫn giữ nguyên, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng nên hiện nhà máy chỉ nắm giữ 25-26% thị phần xăng dầu trong nước. Do đó, theo ông Giang, khó có thể sử dụng nguồn xăng dầu sản xuất trong nước để bình ổn thị trường. Hơn nữa, hiện giá bán xăng dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được tính theo giá thế giới. Dù sản xuất được nhưng sản phẩm của nhà máy cũng phải từ dầu thô, mà giá dầu thô chắc chắn phải theo giá thế giới. Chưa kể nguồn dầu thô đầu vào của nhà máy có đến 20% là nhập khẩu. |
Theo Tuổi Trẻ